"Tuy khó khăn chồng chất nhưng chúng ta phấn đấu bảo đảm nền kinh tế không bị đổ gãy, với mức tăng trưởng cần thiết để giải quyết việc làm, bảo đảm các cân đối lớn. Tìm kiếm tăng trưởng để bù đắp phần bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Chính phủ tập trung giải ngân đầu tư công một cách quyết liệt, tập trung những công trình hạ tầng quan trọng có ý nghĩa tăng cầu, đồng thời tạo tiềm năng tăng trưởng cho nền kinh tế" - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế T.Ư, TS Nguyễn Đình Cung "Để “ngọn lửa tăng trưởng phải cháy, sớm bùng lên trở lại” khi dịch được kiểm soát như quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, rất cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trên mặt trận kinh tế. Bên cạnh các giải pháp điều hành nền kinh tế, cũng như các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần giúp DN đứng vững trên đôi chân của mình, chứ không ỷ lại, trông chờ" - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS. TS Hoàng Văn Cường |
Kinh tế Việt Nam lấy lại động lực tăng trưởng
Kinhtedothi - Thời gian qua, truyền thông quốc tế đã dành nhiều lời khen ngợi cho phản ứng chống dịch Covid-19 nhanh và thành công của Việt Nam. Việt Nam đã bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất, dịch vụ và bán lẻ. Việt Nam có thể vượt qua dự báo của IMF để đạt mục tiêu tăng trưởng 5%?
Nền kinh tế đang quay trở lại trạng thái bình thường
Nền kinh tế đang bắt đầu có những chuyển biến đáng kể. Với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách sau khi dịch Covid-19, các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO) thông báo tiếp tục có kế hoạch tăng tần suất và khai thác trở lại các đường bay trong nước tiến tới phục hồi toàn bộ mạng lưới đường bay nội địa từ tháng 6/2020.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong dịch Covid-19, đến nay nhiều DN đã sớm lấy lại tâm thế và có chiến lược sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Các công ty may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam như: May 10, May Chiến Thắng, May Thái Nguyên… đã chuyển đổi một số dây chuyền sang may bộ quần áo bảo hộ y tế phòng, chống dịch Covid-19 theo đặt hàng của Bộ Y tế cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Các đơn vị sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam như Honda, TC Motor, Vĩnh Phát Motor… quay trở lại sản xuất. Nhiều DN khôi phục sản xuất, kinh doanh trên cơ sở dịch Covid-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Các ngành như ăn uống, thương mại, dịch vụ phục hồi khi dịch bệnh kết thúc, người tiêu dùng nhanh chóng trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau nhiều tháng bị cách ly xã hội… Theo Yahoo Finance, một thế giới mới đang bắt đầu nổi lên, với những chỉ báo sớm cho thấy các DN đang dần hồi phục.
Vượt khó nhờ giảm tác động bất lợi
Có thể thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng nhờ các biện pháp phòng dịch sớm và chặt chẽ mà khu vực châu Á vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.
Đặc biệt tại Việt Nam, với những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và Thủ tướng, dịch Covid-19 về cơ bản đã được khống chế, nhờ đó có mức tăng trưởng được đánh giá là tốt nhất ở châu Á. Hơn thế nữa, với những chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam có kỳ vọng rất lớn sẽ vượt qua mức tăng trưởng dự kiến là 2,7% của IMF.
Để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đầu tháng 3, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tín dụng trị giá 10,8 tỷ USD (khoảng 0,4% GDP), bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm các loại lãi suất và phí. Chính phủ cũng đưa ra 2 gói hỗ trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD, bao gồm giảm các loại thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các DN bị ảnh hưởng, đồng thời giãn thời hạn nộp thu.
Dự tính, các hỗ trợ về ngân sách của Chính phủ sẽ còn tăng lên. Mới đây, NHNN tiếp tục hạ lãi suất chủ chốt để cứu DN và tăng trưởng. Việc cắt giảm lãi suất đã củng cố niềm tin cho thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho DN duy trì sản xuất, kinh doanh sau thời gian chống dịch. Theo tính toán, để giữ được tăng trưởng GDP mức 5% trong năm nay thì tăng trưởng tín dụng ở mức 10% trở lên.
Trong khi đó, việc hỗ trợ giảm giá điện cho hộ dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với 2 triệu đơn vị, hộ sản xuất kinh doanh được thụ hưởng; hay giá nước, giá gạo, giá nhiều loại vật tư, nguyên liệu cho sản xuất cũng duy trì ổn định hoặc tương đối thấp là điều kiện tổng hợp vừa kích hoạt sản xuất, kinh doanh vừa nhằm kiềm chế lạm phát.
Ngoài ra, việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá dịch vụ y tế hoặc giáo dục cũng đang được theo dõi và có bước đi phù hợp nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020. Đại diện Bộ KH&ĐT cho hay, tổng các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra vào khoảng 636.000 tỷ đồng (khoảng 10% GDP) không ảnh hưởng đến CPI.
Điểm tựa tăng trưởng
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2020, IMF nhận định, Việt Nam “là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong ASEAN”. Ngân hàng Thế giới mới đây cũng khẳng định, Việt Nam đã chống chịu tốt hơn ở phương diện kinh tế đối ngoại và kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không thể để kinh tế chỉ tăng trưởng 2,7% như IMF dự báo mà phải tăng trưởng đạt mức trên 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Liên quan tới kinh tế Việt Nam, trong bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của The Economist, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau dịch Covid-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định.
Việt Nam vẫn có một số động lực khả dĩ trở thành “đòn bẩy” tăng trưởng. Tăng giải ngân đầu tư công có thể là một đòn bẩy. Số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, nếu giải ngân đầu tư công tăng 1% thì sẽ đóng góp trực tiếp cho GDP thêm 0,06%. Quan trọng hơn, giải ngân mạnh vốn đầu tư công sẽ kéo các dòng vốn khác cùng “chảy” mạnh. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nói chung và năng suất lao động nói riêng cũng còn dư địa rất lớn.
Đặc biệt, kinh tế số là một công cụ hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã dẫn đến hàng loạt thay đổi trong lối sống của người dân, phương thức kinh doanh, hệ thống giao thông, phân phối hàng hóa. Việt Nam có thế mạnh về công nghệ thông tin, nên đây là một mũi nhọn cần tiếp tục “mài giũa” và khai thác.
Hàng loạt Hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương đã và sắp có hiệu lực hứa hẹn gia tăng khả năng tiếp cận thị trường và giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại. Các nền kinh tế châu Âu dần mở cửa, Việt Nam - một thị trường đáng kể với gần 100 triệu dân - có thể được coi là cửa ngõ cho những ý tưởng tìm kiếm thị trường, nguồn cung ứng cũng như công xưởng của EU.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng các động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam - tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động - vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh trong nước vẫn tiếp tục được cải thiện.
“Nếu hết dịch Covid-19 trong quý II, tăng trưởng đạt trên 5% là tích cực” - TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư nhận định. Đồng tình, TS kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng Việt Nam có rất nhiều cơ hội sau khi dịch bệnh được khống chế, qua đó lấy lại đà tăng trưởng.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm khẳng định, trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm, chúng ta tăng trưởng dương nếu tăng trưởng trên 5% đã là thành công rực rỡ, rất đáng tự hào. “Quan trọng là chúng ta nỗ lực hết sức, thực hiện đồng bộ giải pháp” - Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.