Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020: Triển vọng từ khu vực tư nhân

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối thoại với các DN tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” tổ chức sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: Nhằm tạo ra động lực mới cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững phải phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thông qua sự liên kết mạnh mẽ giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

 Dây chuyền sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Bluecom Vina, Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng. Ảnh: Danh Lam
“Người Việt rất thông minh, tư duy tốt”
Phát huy những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong năm 2017, kết quả những tháng đầu năm 2018 hết sức khả quan. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, có nhiều lý do để hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo. Để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng, cần có sự nỗ lực và tập trung rất lớn của các cấp, các ngành của tất cả các thành phần kinh tế, Nhà nước, tư nhân, nước ngoài để giữ vững đà tăng trưởng.
"Thực tế, chúng ta có một khu vực tạo ra tăng trưởng rất nhanh. Đó là khu vực kinh tế tư nhân" - GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) khẳng định và kiến nghị trong 3 quý sắp tới và cả các năm sau, những cải cách của Nhà nước phải tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, để DN nhỏ lớn lên và nhiều tập đoàn lớn được hình thành, đủ sức vươn ra thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế cần nâng cao năng suất lao động và và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. "Vừa qua chúng tôi có sang Mỹ và đến thung lũng Silicon, tôi thật sự ấn tượng và xúc động khi người Việt Nam đang làm việc tại các vị trí quan trọng các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ. Hiện số lượng nhân viên người Việt làm việc tại Google châu Á - Thái Bình Dương khá nhiều so với các quốc gia khác.
Ở Google, người Việt được đánh giá là thông minh, tư duy tốt, khả năng học hỏi nhanh. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng khẳng định: "Người Việt đang làm việc khắp nơi mà chưa tận dụng được. Chúng tôi sẽ kiến nghị nhanh chóng thành lập các phòng thí nghiệm, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ, hỗ trợ các DN startup phát triển”.

Hiện, Bộ KH&ĐT đang nỗ lực tối đa để sớm hoàn thành Đề án Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với việc hình thành các trung tâm công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu triển khai hiện đại bậc nhất trên thế giới nhằm hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp, DN 4.0 phát triển.
 Dây chuyền sản xuất sữa bột tại Công ty CP Vinamilk. Ảnh: Trần Tuấn 

Thu hẹp khoảng cách với khu vực FDI

Năm 2017, vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD. Ước tính, năm 2018, vốn FDI thực hiện sẽ đạt khoảng 19 tỷ USD, chiếm 25% vốn đầu tư xã hội. “Vị trí địa lý, dân số, môi trường kinh doanh, các cam kết mở cửa thị trường hiện nay, Việt Nam thực sự đang là điểm đến hấp dẫn” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Theo các chuyên gia, đầu tư nước ngoài ngày càng đóng góp rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Để tận dụng cơ hội này, Chính phủ Việt Nam cần thực thi nghiêm túc các cam kết, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết (nguồn lực, đất đai, năng lượng...), xây dựng hàng rào kỹ thuật hợp lý khi lựa chọn dự án, hướng tới chọn lọc các dự án FDI công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. “Hiện nay, nhiều người có quan điểm kỳ thị cho rằng DN FDI đang chèn ép DN trong nước, hình thành "một nền kinh tế hai tốc độ" hay "hai nền kinh tế trong một quốc gia" cũng như nền kinh tế phụ thuộc... Vấn đề quan trọng cần phải làm là thúc đẩy liên kết giữa khu vực FDI và DN trong nước để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nền kinh tế” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

Theo người đứng đầu ngành KH&ĐT, DN nội phải lên ngang tầm với các DN nước ngoài thì mới liên kết được với nhau. Do đó việc cần có giải pháp để khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, bắt kịp và liên kết gắn bó với khu vực kinh tế FDI. Sự liên kết mạnh mẽ giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực nước ngoài được kỳ vọng trở thành điểm tựa cho đòn bẩy tăng trưởng.

Để làm được điều này, theo Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) Bùi Tất Thắng, cải cách thể chế đã tiến triển nhưng hiện nay mới tập trung vào tháo gỡ. Đây mới là giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 là thay đổi tư duy từ kiểm soát, cho phép sang tư duy phục vụ nhất là tư duy chính quyền phục vụ dân và vì dân. Hiện nay, vẫn có tư duy là cho phép người dân làm cái nọ, cái kia mà chưa có tư duy phục vụ. Do đó, trọng tâm vấn đề là sự chuyển động cả hệ thống, thay vì chỉ người lãnh đạo.
Trả lời câu hỏi việc Mỹ rút khỏi TPP có ảnh hưởng các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam hay không, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, điều này có ảnh hưởng nhưng không lớn. Việt Nam và Mỹ có rất nhiều cơ chế và thể chế hợp tác thông qua hiệp định khung đầu tư và thương mại. Mỹ vẫn là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Bản thân Việt Nam bây giờ đã là thị trường lớn và đang tham gia rộng rãi vào các hiệp định thương mại khác. Như vậy, quốc tế sẽ cho rằng nếu đầu tư vào Việt Nam thì có nghĩa là làm ăn với một thị trường rất lớn.