Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam phát triển ngoạn mục, dự báo vượt chỉ tiêu tăng trưởng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế 8 tháng năm 2022 tiếp tục đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Với đà này, GDP cả năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức cao, đạt hoặc vượt xa so với chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Quốc hội giao.

Nhiều ngành phục hồi tăng trưởng mạnh

Kinh tế Việt Nam thời gian qua đã có bước phát triển ngoạn mục, trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, ấn tượng là lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu. Về ngành công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2022 tăng cao, ước tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tăng 16,2%. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9,4%, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2022 phục hồi ở hầu hết các ngành, đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước và dần lấy lại quy mô so với năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ hàng hóa gấp 1,3 lần (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019); dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần (tăng 6,7%). Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8 đạt 486,4 nghìn lượt người - tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.441 nghìn lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD, là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn…

Một điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế 8 tháng năm 2022 là về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD - tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.

Cùng với đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài "rót" vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,78 tỷ USD.

Nhiều dư địa cho tăng trưởng kinh tế

Trong tuần cuối tháng 8, các tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 7,5 - 8,5% dựa trên bức tranh kinh tế Việt Nam trong 2 quý đầu năm và các chỉ số kinh tế 8 tháng của năm.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 8,5% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được Worlbank điều chỉnh dự báo tăng trưởng từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trường GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý 3/2022 và 3,9% trong quý 4/2022, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%...

“Các tổ chức tăng dự báo GDP năm 2022 cho thấy sự lạc quan, tin tưởng của tổ chức quốc tế về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam”- chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nói.

Số liệu Tổng Cục Thống kê cho thấy, có 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD gồm: điện thoại và linh kiện, máy tính-linh kiện, máy móc, thiết bị, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ. Năm 2021, Việt Nam có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chỉ trong 8 tháng năm nay đã có 30 mặt hàng kim ngạch vượt 1 tỷ USD. Với đà tăng trưởng như hiện nay, nhiều ý kiến lạc quan về mục tiêu đạt kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm sẽ vượt mốc 700 tỷ USD.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang oằn mình đương đầu với lạm phát cao và nguy cơ suy thoái, nét rất đặc trưng của kinh tế Việt Nam đó là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tăng mạnh. Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn do hệ thống chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định.

“Điều này phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường kinh doanh và vai trò của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”- ông Axel Goethals, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu châu Âu về châu Á (EIAS) khẳng định trong tương lai, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trên thế giới.

Ngoài ra, nền kinh tế năm nay sẽ tiếp tục kỳ vọng vào sự đột phá từ thu dịch vụ. Sức mua của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân được “hồi sinh” mạnh mẽ. Ông Raymon Mallon - chuyên gia kinh tế Australia đánh giá: "Kinh tế có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là ở lĩnh vực sản xuất, rồi cả trong các ngành dịch vụ chủ chốt và nông nghiệp. Một sự tăng trưởng trên diện rộng, ở nhiều ngành, điều đó rất là ấn tượng".

Bên cạnh những dấu hiệu phục hồi tích cực, nền kinh tế nước ta đang phải chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như: xung đột giữa Nga và Ukraine; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn; dịch Covid-19 gia tăng trên thế giới với nhiều biến thể mới...

Trong bối cảnh như vậy, theo TS Trần Đình Thiên, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thay đổi cấu trúc kinh tế, cải cách cơ chế làm sao để khối DN tư nhân hấp thụ được nhanh nhất, tốt nhất nguồn vốn hỗ trợ. Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công với hàng loạt dự án hạ tầng đầu tư công kéo theo tác động lan toả. Tiếp tục đẩy mạnh các nút thắt của môi trường đầu tư, kinh doanh liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng…

Còn theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tốt, đặc biệt DN bắt nhịp khá tốt với các thị trường Việt Nam đang ký kết FTA. Do đó, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu. Có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn, hỗ trợ DN tiếp cận gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2% của Nhà nước…