Sáng 6/7, tại trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội, kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV chính thức khai mạc.
Khống chế dịch Covid-19 và thiết lập “trạng thái bình thường mới”
Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH; thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 của TP Hà Nội tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết: TP đã quán triệt thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của TP, thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình, diễn biễn dịch bệnh và chỉ đạo biện pháp, giải pháp xử lý ngay khi phát sinh.
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống y tế, với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, có nhiều biện pháp đồng bộ, sáng tạo nên toàn TP chỉ có 74 ca nhiễm trong cộng đồng, 47 ca lây nhiễm được phát hiện và cách ly tại sân bay; 114/121 ca nhiễm đã khỏi bệnh, không có người tử vong. Hơn 2 tháng qua, TP không có ca nhiễm ngoài cộng đồng. Dịch Covid-19 đã được khống chế và thiết lập “trạng thái bình thường mới”, an sinh xã hội được đảm bảo; KTXH của TP đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cùng cả nước đẩy mạnh phục hồi và duy trì tăng trưởng trong thời gian còn lại năm 2020.
Mức tăng trưởng đạt khá so với mức chung của cả nước
Tổng thu NSNN trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm ước thực hiện 142.013 tỷ đồng, đạt 50,9% dự toán, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 6 tháng ước 34.213 tỷ đồng, đạt 33,2% dự toán, tăng 21,5%; trong đó chi thường xuyên ước 19.374 tỷ đồng, đạt 40% dự toán, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Toàn TP giải ngân vốn đầu tư công ước 14.826 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch, tăng 64,4% so với cùng kỳ; trong đó chi xây dựng cơ bản tập trung cấp TP ước 5.034 tỷ đồng, đạt 30,3% kế hoạch vốn giao.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giao thương ngưng trệ; Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 6,75 tỷ USD, giảm 6,7%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13,71 tỷ USD, giảm 9,2%.
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới tất cả các ngành, lĩnh vực, các chỉ tiêu giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, TP đã thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch, vừa duy trì và phát triển KTXH.
Lãnh đạo TP đã tích cực làm việc với các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Đồng thời, chỉ đạo sâu sát các Sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng với quyết tâm là địa phương tiên phong, đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh. Sau khi giảm sâu nhất vào tháng 4, từ tháng 5,6 hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với tháng trước; sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi.
Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39% - mức tăng khá cao so với các tỉnh, TP và mức chung của cả nước.
Cụ thể các nhóm ngành như sau: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,61%; Công nghiệp – xây dựng tăng 5,94%; Dịch vụ tăng 2,59%; Thuế sản phẩm trừ nợ cấp tăng 3,91%.
Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp được tích cực triển khai. Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai 19 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập; tiếp tục thành lập mới 23 cụm công nghiệp;…Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 3,5%.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 1.408 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6%.
Du lịch chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Khách du lịch ước đạt 4,93 triệu lượt, giảm 65,4%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 18,95 nghìn tỷ đồng, giảm 61,5%. Công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 31,74%, giảm 38,35 điểm % so với cùng kỳ.
Vụ lúa xuân năm nay toàn TP gieo trồng được 86,9 nghìn hecta, giảm 4,1% cùng kỳ. Chăn nuôi trâu, bò ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Lâm nghiệp và thủy sản cơ bản thuận lợi. Triển khai xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, phòng chống úng ngập khu vực ngoại thành, phương án đảm bảo an toàn cho các công trình trọng điểm mùa mưa năm 2020.
Thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh
TP tập trung chỉ đạo, đôn đốc hố trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng kỳ kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn. Đồng thời rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng trong tiếp cận đất đai. TP cũng đã khẩn trương rà soát, giãn, hoãn hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 45% cả nước.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm, duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
TP cũng đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 – hợp tác và phát triển” (ngày 27/6) ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế và thiết lập “trạng thái bình thường mới”. Đây là hội nghị quy mô lớn, chưa từng có trong bồi cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tại Hội nghị đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng. Trong đó, 100 dự án trong nước với số vốn 227.499 tỷ đồng, 22 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 5,7 tỷ USD và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 lần và 11 lân so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016. TP cùng các nhà đầu tư ký kểt 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD…
TP cấp giấy chứng nhận cho 12.649 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 175 nghìn tỷ đồng, giảm 7% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 5% vốn đăng ký so với cùng kỳ…Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đến nay đạt 291.110 doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
TP tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực họp trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, học qua truyền hình, học trực tuyến…Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 đạt 100%, trong đó mức 4 đạt 30%.
Kịp thời hỗ trợ cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
TP cũng thực hiện chi trả lương hưu, hỗ trợ cấp bảo hiểm xã hội đến tận nhà cho 560.000 người xong trước ngày 10/5/2020; chi trả hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người có công, người tàn tật, người già đã xong từ ngày 2/5 với kinh phí 474,2 tỷ đồng. Hiện đang tiếp tục triển khai hỗ trợ giai đoạn 2 cho số lao động tự do, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đã hỗ trợ với kinh phí 495,6 tỷ đồng…
Quản lý đô thị được đẩy mạnh. Đặc biệt, TP đã quyết liệt xử lý nghiêm vi phạm tại công trình 8B Lê Trực và các vi phạm trật tự xây dựng kéo dài gây bức xúc dư luận. Tiếp tục mở rộng diện tích cây xanh. Công tác chiếu sáng, chỉnh trang đường phố tiếp tục được đổi mới. Cung cấp nước sạch, thoát nước và vệ sinh môi trường được duy trì, nâng cao chất lượng. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè giảm cơ bản. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai tích cực.
Các hoạt động văn hóa, giáo dục tiếp tục được duy trì. Khiếu nại, tố cáo được tập trung giải quyết. Công tác quốc phòng, được củng cố; an ninh chính trị, trật tự án xã hội được đảm bảo. Đối ngoại tiếp tục được mở rộng.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số khó khăn, tồn tại cần được quan tâm khắc phục như: Kinh tế duy trì tăng trưởng, tuy nhiên đạt thấp hơn so với cùng kỳ do tác động của dịch Covid-19, tạo áp lực lớn đối với các cân đối lớn và hoàn thành mục tiêu phát triển KTXH năm 2020. Số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ động ngân sách được tích cực triển khai, tuy nhiên nợ đọng ngân sách vẫn còn lớn. Tỷ lệ cấp đất dịch vụ chưa đạt mục tiêu đề ra. Các hoạt động văn hóa, xã hội bị dừng trong thời gian dài do thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Tình hình tội phạm chuyển biến tích cực song vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Số vụ vi phạm về ma túy, môi trường vẫn cao; nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn, nhất là thời gian nắng nóng cao điểm.
Đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng tăng gấp 1,3 lần cả nước
Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước, TP dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2020 như sau:
Kịch bản 1: Tăng trưởng Quý III đạt 7,8%, Quý IV đạt 8,4%, tính chung 6 tháng tăng 8,14% và dự báo cả năm đạt 5,9% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng cả nước từ 4,4-5,2%). Kịch bản 2: Tăng trưởng Quý III đạt 6,9%, Quý IV đạt 7,4%, tính chung 6 tháng tăng 7,16% và dự báo cả năm đạt 5,4% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng cả nước từ 3,6-4,4%).
Thành công của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng trong việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và nhanh chóng thiết lập “trạng thái bình thường mới” đã tạo niềm tin rất lớn trong Nhân dân Thủ đô, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, đồng thời nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, trong 6 tháng cuối năm 2020, cùng với làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, TP triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm phục phồi phát triển KTXH, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tận dụng cơ hội chuyển hướng đầu tư, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài.