Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kịp thời cứu nạn, cứu trợ đồng bào miền Trung

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt mưa lũ lịch sử diễn ra tại các tỉnh miền Trung đang gây hậu quả hết sức nặng nề về người và tài sản. Dù công tác cứu nạn, cứu trợ được triển khai tốt đã góp phần giảm nhẹ hậu quả thiên tai, tuy nhiên vẫn còn đó không ít vấn đề cần được quan tâm.

 Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) sơ tán người dân về nơi an toàn. Ảnh: Ngô Tuấn
Gặp nạn khi đi... cứu hộ
Đợt mưa lũ kéo dài gần 3 tuần qua được xem là gây thiệt hại nặng nề nhất cho các tỉnh miền Trung trong nhiều năm trở lại đây. Thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho thấy, đã có ít 133 người bị chết và mất tích do mưa lũ. Trong đó, Quảng Trị là địa phương chịu thương vong lớn nhất với 53 người.

Đáng chú ý, trong đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung, có không ít trường hợp gặp nạn trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ. Đau lòng hơn khi hàng chục trường hợp trong số đó đã bị thiệt mạng. Điển hình là sự cố xảy đến với đoàn công tác 20 người được cử đi tìm kiếm công nhân thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế). Khi nghỉ đêm tại Trạm kiểm lâm số 7 thuộc Tiểu khu 67, đã có 13/20 thành viên đoàn đã bị đất đá vùi lấp do sạt lở.

Tối 17/10, khi nhận được tin báo có 7 người dân đi làm nương rẫy bị mất liên lạc, chính quyền xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã cử tổ cán bộ gồm 7 người đi tìm kiếm. Tuy nhiên trên đường đi, đoàn công tác không may gặp lũ dữ khiến 5 người chết; 2 người còn lại bị thương nặng. Trước đó, vào ngày 8/10, khi tàu Vietship 01 bị nước biển cuốn trôi ra biển, lực lượng chức năng đã sử dụng thuyền của ngư dân chở 4 người ra ứng cứu các thành viên trên tàu. Tuy nhiên, do sóng to, gió lớn, 1 người bị rơi xuống biển, may mắn bơi được vào bờ an toàn. Trong khi 3 người khác phải leo lên tàu Vietship 01 để lánh nạn.

Chuyên nghiệp hóa công tác cứu hộ, cứu nạn

Sự việc người đi cứu hộ nhưng lại gặp nạn không phải mới lần đầu xảy ra. Tuy nhiên, để lại nhiều thương vong như đợt mưa lũ vừa qua là rất hiếm. Chia sẻ quan điểm về việc nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thiệt mạng khi đi cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu 4, cho rằng mưa lớn nhiều ngày ở miền Trung đã gây hiện tượng sạt lở, lũ quét... không ngờ đến. Dẫn chứng ngay vị trí Tiểu khu 67, theo ông Nghĩa, đó là vùng đất rộng trên 5.000m2, cách xa núi khoảng 300 - 400m. Sông Bồ chảy qua Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 cũng là những con sông cực kỳ nguy hiểm, phải dùng cano di chuyển và nguy cơ khi cứu hộ ở đây là rất cao. “Chúng ta đã có kế hoạch, phương hướng cứu hộ, cứu nạn, nhưng vẫn có những sự cố bất khả kháng” - Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa cho hay. Cùng chung quan điểm về khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn trong đợt mưa lũ vừa qua, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chia sẻ, trong vụ giải cứu các thuyền viên tàu Vietship 01 tại vùng biển Quảng Trị, sóng to, gió lớn đã khiến ba phương án giải cứu được đưa ra đều không thành công. Sau đó, lực lượng chức năng phải sử dụng đồng thời trực thăng và đặc công nước mới giải cứu an toàn cho các thuyền viên.
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tế lương thực cho người dân trong vùng bão lụt. Ảnh: Quang Hải
Liên quan đến giải pháp cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là sau một số sự cố không may xảy đến với các đoàn tìm kiếm thời gian vừa qua, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần có bộ phận trinh sát, áp dụng khoa học công nghệ đi trước một bước. “Phải dùng flycam để dò tuyến, kiểm tra cho chắc chắn vì tuyến rừng sau những trận mưa lớn rất xung yếu. Nếu không có động tác trinh sát để tham mưu thì công tác ứng phó, giải quyết sự cố sẽ không hiệu quả, thậm chí để lại hệ lụy…” - ông Nguyễn Xuân Cường cảnh báo. Đồng tình với việc cần thiết có trinh sát đi trước một bước, rồi phác thảo phương án cứu nạn, cứu hộ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khuyến nghị, cần phát huy vai trò của chó nghiệp vụ. Thực tế trong sự cố tại thủy điện Rào Trăng 3 và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4), đã có nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ được tìm thấy bởi chó nghiệp vụ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đối với công tác cứu nạn, cứu hộ, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần sớm rà soát tổng thể phương án nguồn nhân lực, phương tiện vật tư để sẵn sàng ứng phó với những tình huống thiên tai phức tạp. Trong đó, cần thiết phải đào tạo một lực lượng chuyên biệt để tổ chức cứu nạn, cứu hộ. Phương án tác chiến, triển khai lực lượng như thế nào cũng cần được tính đến để chủ động ứng phó kịp thời và phù hợp với những sự cố thiên tai.

Tránh “bệnh hình thức” trong cứu trợ đồng bào

Trước thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xuất gạo dự trữ Quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách T.Ư năm 2020 hỗ trợ 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh. Mỗi tỉnh được xuất cấp 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ; bên cạnh đó, người dân mỗi tỉnh vùng lũ miền Trung được hỗ trợ 5 tấn xúc xích. Những ngày qua, Quân khu 4 đã cử các đoàn công tác đến thăm và trao 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 8,5 tấn lương khô hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã chủ động cấp phát 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 mì tôm, 150 suất hàng để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phân công 9 bệnh viện hỗ trợ y tế cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, các bệnh viện đang phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, TP cử các tổ, đội tổ chức trực ban; duy trì lực lượng cơ động; dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện để tham gia ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương trong vùng.

Đối với công tác cứu nạn, cứu hộ thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ban ngành. Nhờ sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thiệt hại do thiên tai đã được giảm thiểu đáng kể. Dù vậy, diễn biến thiên tai từ nay đến cuối năm 2020 còn rất phức tạp, do đó, cần tiếp tục ứng phó trên tinh thần không chủ quan. Nhiệm vụ trọng tâm được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trong thời gian tới vẫn là tập trung cho công tác cứu trợ người dân vùng lũ miền Trung. Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý: Hàng cứu trợ phải tập trung, do chính quyền, Ủy ban MTTQ các địa phương tiếp nhận, phân phối. Đặc biệt, cần tuyệt đối tránh “bệnh hình thức”, đi cứu trợ mà chỉ lo quay phim, chụp ảnh.

Từ thực tế công tác kiểm tra vùng lũ miền Trung những ngày vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Cứu trợ cho đồng bào vùng lũ là nhiệm vụ số 1 hiện nay. Các địa phương cần sâu sát hơn với dân, xem bà con thiếu thứ gì thì kịp thời chu cấp. Một mặt bảo đảm cuộc sống tối thiểu, mặt khác tạo điều kiện cần thiết để người dân vùng lũ khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống…”.
Tính đến nay, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã hỗ trợ 50 máy lọc nước và 250 tấm trải nhựa cho người dân Thừa Thiên Huế. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) trao cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khoản viện trợ ứng phó thiên tai ban đầu trị giá 100.000USD. Trung tâm Điều phối ASEAN về cứu trợ nhân đạo trong thiên tai (AHA) cũng đã hỗ trợ Thừa Thiên Huế và Quảng Trị tổng số 1.150 bộ nhà bếp và sửa chữa nhà cửa.
Liên quan đến ý kiến cho rằng thủ tục tiếp nhận cứu trợ thiên tai hiện nay còn phức tạp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Trình tự giải quyết về thủ tục những thiệt hại do thiên tai gây ra chỉ mất thời gian tối đa là 15 ngày. Nghị định số 50/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng có những điểm mới và quy định rõ ràng cụ thể. “Chúng tôi sẽ cử cán bộ hướng dẫn nếu như tổ chức, đơn vị hay địa phương có yêu cầu; đồng thời cam kết các nguồn viện trợ sẽ được chuyển đến người dân vùng lũ miền Trung một cách sớm nhất, chính xác và hiệu quả” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội, Ban Biên tập báo Kinh tế và Đô thị triển khai chương trình “Chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ miền Trung” nhằm chia sẻ hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra.

Mọi đóng góp của quý cơ quan, tổ chức xin gửi về báo Kinh tế và Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội. Tài khoản số: 14022518051012, tại Ngân hàng Techcombank chi nhánh Thăng Long - PGD Láng Hạ, TP Hà Nội. (Ghi rõ “Ủng hộ miền Trung”)