Kịp thời xử lý sự cố đê điều ở huyện Thanh Oai

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedohthi - Chiều 10/9, lãnh đạo huyện Thanh Oai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã kiểm tra vị trí sạt lở đê điều tại địa bàn xã Thanh Cao; dọc tuyến đê sông Đáy; mực nước trên các sông và các trạm bơm trên địa bàn huyện.

Lãnh đạo huyện Thanh Oai kiểm tra việc xử lý sự cố đê sụt, sạt đoạn qua địa bàn xã Thanh Cao. (Ảnh: Ánh Ngọc)
Lãnh đạo huyện Thanh Oai kiểm tra việc xử lý sự cố đê sụt, sạt đoạn qua địa bàn xã Thanh Cao. (Ảnh: Ánh Ngọc)

Ghi nhận thực tế cho thấy, cung sạt trên địa bàn xã Thanh Cao tại vị trí K31+680 đến K31+760 ổn định; cung sạt tại vị trí K29+500 đến K29+590 có phát sinh thêm, hiện tại huyện đã thực hiện xử lý giờ đầu theo hướng dẫn về kỹ thuật của Hạt Quản lý đê số 14.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ kết hợp áp cao lục địa tăng cường, từ đêm 9/9 đến ngày 10/9 trên địa bàn huyện có mưa rất to. Sông Nhuệ đã báo động II, mực nước sông Đáy, kênh Yên Cốc, kênh Vân Đình tiếp tục dâng cao. Hiện kênh Yên Cốc có một số đoạn mấp mé mặt bờ kênh, huyện vẫn đang theo dõi sát sao và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Lực lượng chức năng huyện Thanh Oai gia cố đê tả Đáy đoạn qua địa bàn xã Thanh Cao. (Ảnh: Ánh Ngọc)
Lực lượng chức năng huyện Thanh Oai gia cố đê tả Đáy đoạn qua địa bàn xã Thanh Cao. (Ảnh: Ánh Ngọc)

Tại xã Cự Khê, đêm qua nước sông Nhuệ dâng cao gây tràn vào khu dân cư thôn Khúc Thủy và Cự Đà. Xã Mỹ Hưng nước sông Nhuệ tràn nhẹ vào đường giao thông và đầu ngõ thôn Đan Thầm, Quảng Minh, khu vực gần trạm bơm Đan Thầm.

Xã Thanh Thùy, một số đường giao thông tại thôn Rùa Hạ, Rùa Thượng bị ngập nước, một số hộ dân bị nước tràn vào nhà. Xã Cao Dương, do nước sông Đáy dâng cao nên đường dân sinh và cầu dân sinh đi sang huyện Chương Mỹ hiện tại bị ngập, xã đã cấm phương tiện lưu thông qua cầu để đảm bảo an toàn cho Nhân dân.

Cầu nối xã Cao Dương, huyện Thanh Oai với huyện Chương Mỹ được cảnh báo, cấm người dân và phương tiện lưu thông.  (Ảnh: Ánh Ngọc)
Cầu nối xã Cao Dương, huyện Thanh Oai với huyện Chương Mỹ được cảnh báo, cấm người dân và phương tiện lưu thông.  (Ảnh: Ánh Ngọc)

Ngay trong đêm 9/9, các xã có nước tràn vào khu dân cư đã huy động lực lượng, vật tư tại chỗ, đắp chống tràn. Xí nghiệp La Khê đã huy động 1.500 bao tải, 500 cọc tre phối hợp với địa phương gia cố kênh Yên Cốc, các điểm xung yếu tại xã Tam Hưng.

Hiện Xí nghiệp Thủy lợi La Khê đang vận hành 25 trạm bơm với 93 máy bơm các loại, các trạm bơm tiêu do huyện quản lý đang vận hành hết công suất, tiếp tục bơm tiêu để ứng phó với mưa lớn, đảm bảo tiêu nước nhanh nhất, phục vụ sản xuất và dân sinh.

Các trạm bơm tiêu trên địa bàn huyện Thanh Oai hoạt động liên tục ứng phó với mưa lớn. (Ảnh: Ánh Ngọc)
Các trạm bơm tiêu trên địa bàn huyện Thanh Oai hoạt động liên tục ứng phó với mưa lớn. (Ảnh: Ánh Ngọc)

Tại buổi kiểm tra, các đồng chí lãnh đạo huyện Thanh Oai ghi nhận sự chỉ đạo sát sao và vào cuộc của cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương và tinh thần chủ động tích cực của người dân trong việc xây dựng các phương án phòng chống bão lũ số 3; huy động lực lượng hỗ trợ các gia đình trên địa bàn khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra.

Về nhiệm vụ tiếp tục triển khai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Thanh Oai yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục theo dõi sát sao tình hình diễn biến mưa, lũ để thông tin đến người dân, chủ động các biện pháp phòng ngừa, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là.

Lực lượng dân quân, đoàn thanh niên xã Bình Minh giúp dân buộc lúa. (Ảnh: Ánh Ngọc)
Lực lượng dân quân, đoàn thanh niên xã Bình Minh giúp dân buộc lúa. (Ảnh: Ánh Ngọc)

Cùng với đó, tăng cường trực 24/24h tại những nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao; đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực sạt lở; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh; xây dựng các phương án, kịch bản với các tình huống có thể xảy ra tập trung lực lượng sẵn sàng ứng cứu, di dời người và tài sản của người dân khi có ngập lụt đến nơi an toàn; đảm bảo không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Đặc biệt, đối với các xã có sự cố về đê sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.

Huyện đoàn Thanh Oai thăm hỏi, tặng quà cụ Lê Thị Thấp (92 tuổi) là người  neo đơn tại thôn My Dương, xã Thanh Mai. (Ảnh: Ánh Ngọc)
Huyện đoàn Thanh Oai thăm hỏi, tặng quà cụ Lê Thị Thấp (92 tuổi) là người  neo đơn tại thôn My Dương, xã Thanh Mai. (Ảnh: Ánh Ngọc)

Các phòng chuyên môn và lãnh đạo các xã, thị trấn tiếp tục tập trung nhân lực, thiết bị tại chỗ khẩn trương khắc phục hậu quả của bão số 3, bố trí lực lượng tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thời tiết, nhất là mưa lớn kéo dài để kịp thời có biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngập úng, có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn; quan tâm làm tốt công tác xử lý vệ sinh môi trường, đảm bảo ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt cho Nhân dân.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng bão số 3, huyện Thanh Oai đã huy động sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị phối hợp với lực lượng chức năng hỗ trợ di chuyển vật nuôi, đồ đạc cho các hộ dân ven sông bị ngập, giúp dân buộc lúa, vệ sinh môi trường; sẵn sàng tham gia các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ công tác hậu cần cho lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả sau bão.

Đồng thời, phát huy tinh thần "Tương thân, tương ái", "Lá lành đùm lá rách", Huyện đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân huyện còn ủng hộ, hỗ trợ cho người neo đơn, hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề sau bão tại địa phương.