Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kit test nhanh bán chạy khi số ca mắc Covid-19 tăng cao

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này tại Hà Nội, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng nhanh kéo theo sức tiêu thụ kit test Covid-19 ''nóng lên từng ngày'' bởi nhu cầu tự test nhanh của người dân.

''Loạn'' giá kit test Covid-19

Đại diện nhà thuốc Long Châu trên phố Hồ Đắc Di (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết, những ngày gần đây sức tiêu thụ kit test Covid-19 tăng nóng. Trung bình mỗi ngày hiệu thuốc bán khoảng 100 - 120 bộ kit test SARS-CoV-2 Rapid Antigen Test (Hàn Quốc). Nguyên nhân là do những ngày gần đây số ca F0 mới của Thành phố luôn ở mức gần 4.000 ca/ngày, nên người tiêu dùng có tâm lý mua kit test nhanh. 

Thực tế cho thấy, hiện trên thị trường đang lưu hành nhiều loại kit test có mức giá khác nhau tùy thuộc vào nơi sản xuất như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc… Tại hệ thống nhà thuốc Long Châu, bộ kit test RapidFor xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ được bán với giá 85.000 đồng/bộ, bộ kit test Humasis Covid-19 Ag Home Test do Hàn Quốc sản xuất có giá 110.000 đồng/bộ.

Tại hệ thống nhà thuốc Pharmacity,  1 hộp kit test nhanh Humasis Covid-19 Ag Home Test (5 kit) được chào bán 525.000 đồng/hộp (tương ứng 105.000 đồng/bộ), 1 bộ kit test Biocredit Covid-19 Ag xuất xứ Hàn Quốc có giá 68.000 đồng/bộ (bán lẻ), nếu mua cả hộp được giảm giá xuống 65.000 đồng/bộ. Trong khi đó sản phẩm Biocredit Covid-19 Ag bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như như Lazada, Tiki lại có giá 75.000- 88.000đồng/bộ. Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trên website của Chợ thuốc Hapulico, nhiều loại kit test nhanh Covid-19 có giá khá rẻ, như bộ kit test Standard-q (Hàn Quốc) 56.000 đồng/bộ, kit test Labnovation (Trung Quốc) 52.000  đồng/bộ.

Bộ kit test Covid-19 nhập lậu tại sân bay Nội Bài
Bộ kit test Covid-19 nhập lậu tại sân bay Nội Bài

Lý giải giá bán kit test có sự chênh lệch, đại điện các cửa hàng kinh doanh thuốc có chung ý kiến, mức giá khác nhau giữa các cửa hàng phụ thuộc khá nhiều vào chi phí thuê mặt bằng kinh doanh. Ngoài ra cũng tùy thuộc vào số lượng hàng nhập. Cửa hàng nào nhập với số lượng lớn thì mức giá sẽ thấp hơn cửa hàng mua số lượng ít.

Xử lý nghiêm vi phạm

Việc các cửa hàng kinh doanh thuốc không đồng nhất giá bán sản phẩm kit test Covid-19, đồng thời trên mạng xã hội bán tràn lan mặt hàng này khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng nên mua loại nào mới có mức độ chính xác cao? Thực tế, những lo lắng, băn khoăn của người dùng về chất lượng, giá bán kit test Covid-19 không phải không có cơ sở khi lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu mặt hàng này.

Thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cho thấy, ngày 17/2 tại Sân bay Nội Bài, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội bắt giữ lô hàng gồm 85.000 bộ kit test Covid-19, trị giá trên 8 tỷ đồng nhập lậu từ Hàn Quốc về Việt Nam. Trước đó Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô BKS 14B-00032 phát hiện trên xe có 2.500 bộ test kit Covid-19 nhãn hiện Roycus bao bì in chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp.

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) bắt giữ kit test Covid-19 tại sân bay Nội Bài
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) bắt giữ kit test Covid-19 tại sân bay Nội Bài

Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, để qua mắt lực lượng chức năng, đối tượng buôn lậu mặt hàng này đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa.

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên thông tin, hoạt động kinh doanh các loại thuốc, kit test Covid-19 hiện khá sôi động, không chỉ hiệu thuốc mới bán mà nhiều cá nhân cũng kinh doanh mặt hàng này thông qua mạng xã hội. Hình thức giao dịch này khiến việc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm gặp không ít khó khăn.

Nhằm ngăn chặn hiện tượng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng kit test tăng cao để trục lợi, Cục QLTT Hà Nội đã yêu cầu các đội QLTT quận huyện phối hợp với thanh tra y tế kiểm tra cơ sở kinh doanh, khám chữa bệnh trên địa bàn TP Hà Nội việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, kinh doanh kit test Covid-19.

Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng mạng xã hội để buôn bán kit test Covid-19, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) Nguyễn Đức Lê cho biết, Tổng cục QLTT đã có Công văn số 846/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành yêu cầu những đơn vị này chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; Tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế dùng để phòng dịch Covid-19; Đẩy mạnh giám sát hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức cá nhân trên sàn giao dịch cũng như trên website, mạng xã hội.  

“Nếu phát hiện hiện tượng kinh doanh các bộ kit test không được Bộ Y tế cấp phép hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, Tổng cục QLTT sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng như công an, y tế xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Đức Lê khẳng định.

 

Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số đã có công văn số 550/TMĐT-QL yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm kit test nhanh Covid-19 vi phạm quy định của Bộ Y tế đang rao bán trên sàn thương mại điện tử lớn; Yêu cầu các website thương mại điện tử tiếp tục kiểm tra, kiểm soát, xác minh thông tin và gỡ bỏ các sản phẩm kit test nhanh Covid-19 vi phạm đang được rao bán trên website. Đồng thời, khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua các sản phẩm kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số Lại Việt Anh