KTĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Hoa Lư, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đến năm 2025.
Với vị trí đắc địa nằm trên trục giao thông xuyên Á nối Việt Nam với các nước trong khu vực, Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Hoa Lư sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Phước và hoạt động giao thương giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Hoa Lư, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đến năm 2025.
Đây là KKTCK phát triển giao lưu kinh tế, văn hóa, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia; đồng thời là trung tâm thương mại, công nghiệp, dịch vụ của tỉnh Bình Phước và là đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ quan trọng trong vùng.
Phạm vi quy hoạch KKT Hoa Lư gồm các xã: Lộc Thái, Lộc Tấn, Lộc Hòa, Lộc Thạnh (tách từ xã Lộc Tấn) và thị trấn Lộc Ninh thuộc huyện Lộc Ninh với tổng diện tích tự nhiên là 28.364 ha.
Dự báo đến năm 2015, quy mô dân số của KKT khoảng 80.000 - 100.000 người và tiếp tục tăng thêm khoảng 30.000 người vào năm 2025; trong đó dân số đô thị khoảng 40.000 – 60.000 người vào năm 2015 và tăng lên 90.000 - 100.000 người vào năm 2025.
Theo Quyết định 2070/QĐ-TTg ngày 11/12/2009, Ban Quản lý (BQL) KKTCK Hoa Lư được hợp nhất với BQL các khu công nghiệp tỉnh Bình Phước để thành lập BQL KKT tỉnh Bình Phước. |
Cấu trúc phát triển không gian KKT dựa trên các trục giao thông chính gồm trục quốc lộ 13, trục đường sắt Xuyên Á liên kết với các khu chức năng gồm: Khu quản lý, thương mại - dịch vụ cửa khẩu; khu phi thuế quan; khu đô thị cửa khẩu Hoa Lư; các điểm dân cư và sản xuất nông nghiệp và các khu rừng sản xuất, rừng phòng hộ.
Về kiến trúc cảnh quan, sẽ cải tạo nâng cấp các khu phố cũ; tuy nhiên, giữ lại các khu vực làng xóm mang đậm yếu tố cảnh quan, sinh thái, truyền thống, làng nghề hấp dẫn về du lịch, bảo vệ tối đa các giá trị văn hóa - lịch sử nhằm tạo ra kiến trúc đặc thù của từng khu vực trong đô thị.
Về giao thông, sau năm 2020, theo nhu cầu vận chuyển, nghiên cứu hình thành tuyến đường bộ cao tốc từ KKTCK Hoa Lư đi Chơn Thành.
Quyết định nêu rõ, ưu tiên đầu tư đối với các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật gồm: Nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 13 đoạn đi qua KKTCK Hoa Lư; xây dựng các nhà máy nước, các trạm điện 220, 110 KV và các tuyến dây 220, 110 KV theo tiến độ phát triển các khu chức năng đô thị; các dự án đấu tư xây dựng các khu xử lý nước thải và rác thải; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu thương mại - công nghiệp.
Đồng thời, sẽ ưu tiên đầu tư đối với các dự án đầu tư phát triển khu phi thuế quan và các khu dân cư (gồm: các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư đô thị và tái định cư; các dự án đầu tư khu quản lý, thương mại dịch vụ cửa khẩu).
Theo thông tin từ BQL KKTCK Hoa Lư, tính đến tháng 10/2009, đã có 51 nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào KKTCK Hoa Lư, trong đó có 1 nhà đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng, 21 nhà đầu tư đã được UBND tỉnh giao đất để thực hiện dự án, với tổng vốn đầu tư 1.087,7 tỷ đồng, tổng diện tích được giao là 228 ha; 9 doanh nghiệp đã được UBND tỉnh thuận chủ trương cho phép nhưng chưa giao đất và 29 doanh nghiệp xin phép đầu tư đang được Ban Quản lý KKT xem xét trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Tại KKT, đã có 11/21 doanh nghiệp được UBND tỉnh giao đất đã và đang tiến hành triển khai xây dựng dự án và 9 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 635,4 tỷ đồng. |