Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Không gian đi bộ đang chờ được đánh thức

Linh Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - KTS Đoàn Kỳ Thanh khá vui mừng khi thấy Thủ đô đang mở ra nhiều không gian đi bộ mới nhưng còn rất nhiều việc cần làm để kiến tạo các không gian này thành không gian điểm hẹn phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ tinh thần của người dân Thủ đô và du khách.

KTS Đoàn Kỳ Thanh
KTS Đoàn Kỳ Thanh

Là thành viên sáng lập, người tiên phong trong việc hình thành ý tưởng xây dựng những không gian sáng tạo cho TP Hà Nội như: Zone 9 (9 Trần Thánh Tông), X98 (98 Hoàng Cầu), Creative city (số 1 Lương Yên)…; cũng là thành viên của Hội đồng tư vấn nhiều không gian đi bộ ở Hà Nội, KTS Đoàn Kỳ Thanh khá vui mừng khi thấy Thủ đô đang mở ra nhiều không gian đi bộ mới. Nhưng ông cho rằng còn rất nhiều việc cần làm để kiến tạo các không gian này thành không gian điểm hẹn phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ tinh thần của người dân Thủ đô và du khách.

Không lo bội thực phố đi bộ

Có nhiều người cho rằng Hà Nội cùng lúc mở ra nhiều không gian đi bộ như hiện nay là cách làm phong trào, chưa hợp lý. Ông đánh giá như thế nào về việc một TP có nhiều không gian đi bộ?

- Người dân nơi cư trú sẽ hưởng thụ thường xuyên các hoạt động văn hóa diễn ra trong vòng bán kính 1 - 3km. Nghĩa là, một cư dân ở quận Cầu Giấy, hay Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm sẽ không thể thường xuyên lên không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận. Chính vì vậy, việc Hà Nội mở các không gian đi bộ ở thị xã Sơn Tây, quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, quận Thanh Xuân… là cần thiết.

Chúng ta không cần phải lo một TP hơn 9 triệu dân bội thực phố đi bộ mà họ đang cần nhiều không gian đi bộ hơn nữa. Nhưng điều quan trọng không phải mở ra bao nhiêu không gian đi bộ mà là đánh giá các yếu tố phù hợp tạo thành không gian đi bộ hay chưa?

Vậy theo ông các yếu tố phù hợp để tạo thành không gian đi bộ là gì?

- Người dân đến phố đi bộ không phải để ăn, để ngắm cảnh mà để giao tiếp. Nếu phố đi bộ Hồ Gươm không gian giao tiếp là ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… thì phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) hoàn toàn thiếu các không gian đó. Muốn trở thành không gian đi bộ thì nơi đó phải có không gian để cho người ta dừng lại, chứ không phải tạo ra không gian để trôi.

Một trong tính năng của không gian công cộng là đến để có sự giao tiếp, để người gặp nhau. Người ta lên bờ Hồ không phải cứ đi vòng quanh mà để tìm những điểm dừng và không gian giao tiếp xã hội. Phải có không gian mở, không gian hoạt động để người tham gia đi bộ người ta thấy rằng à chỗ này phải có điểm dừng.

Nghĩa là theo ông không gian đi bộ Trịnh Công Sơn không đạt được như mong muốn là sai lầm từ khâu tổ chức ngay từ ngày đầu thực hiện?

- Phố đi bộ Trịnh Công Sơn không có quảng trường, các công gian công cộng chưa đủ phong phú và đủ rộng cho người ta đi bộ gắn kết, hào hứng tham gia. Khi được mời góp ý cho việc kiến tạo không gian đi bộ Trịnh Công Sơn tôi đã đề nghị mở rộng quảng trường để tạo nên các không gian giao tiếp cho người đi bộ nhưng ý kiến này không được thực hiện.

Ngoài ra, một trong những yếu tố thành công của phố đi bộ là không gian đi bộ phải gắn kết với tính thương mại, các gia đình xung quanh đó phải tham gia vào kinh doanh thương mại thì mới gọi là thành công.

Nhưng trong giai đoạn thực hiện không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn vừa qua hầu hết các gia đình sinh sống bên con phố chưa tham gia vào hoạt động thương mại trong không gian đi bộ này. Không phải các hộ gia đình ở đây thờ ơ mà bởi vì cách thức tổ chức không gian chưa thu hút người đi bộ dừng chân ở nơi này.

Vậy còn không gian ẩm thực đã được tổ chức hoạt động ở trong không gian được cho là thơ mộng này theo ông là chưa đủ gắn kết cộng đồng?

- Đơn vị tổ chức đã tạo không gian ẩm thực Tây Hồ bên đường rặng nhãn nhưng lại chính là yếu tố gây mâu thuẫn với người dân ở đó. Rõ ràng không gian đó không duy trì được lâu dài như đề án đề ra ban đầu. Lúc đầu trong không gian ẩm thực đó còn có sự tham gia của các nghệ nhân ở các làng nghề ẩm thực như: Xôi Phú Thượng, chè sen Tây Hồ…

Thời gian sau những gian hàng ẩm thực đặc trưng vùng miền đã thay bằng quán trà chanh, xúc xích rán, thậm chí là cả mực khô nướng bay mùi nồng nặc tạo nên sự khó chịu cho những người tham gia đi bộ trong không gian này.

Muốn làm phố ẩm thực thì phải huy động được sự tham gia của chính cơ sở hạ tầng của những nhà dân xung quanh đó. Có thể chủ hộ không tham gia vào kinh doanh mà cho thuê, trong khi tổ chức không gian mà xung đột lợi ích với người dân sống sở tại trên con phố là một trong những yếu tố không tạo nên thành công của dự án.

Tôi hy vọng dự án tái khởi động phố đi bộ Trịnh Công Sơn từ tháng 5/2022 này sẽ khắc phục được những nhược điểm trong cách thức tổ chức lần đầu.

Sáng tạo để là thành phố đáng sống

Ông đánh giá những yếu tố nào tạo nên sự thành công của không gian đi bộ quanh Hồ Gươm trong nhiều năm trở lại đây?

- Tại không gian đi bộ quanh Hồ Gươm có nhiều yếu tố thuận lợi. Cảnh quan khá đặc biệt, có hồ lớn, có diện tích vỉa hè rộng để biến bất kỳ nơi nào trong không gian ấy cũng là điểm dừng. Phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm được nhiều không gian khác yểm trợ như: Phố cổ, bích họa Phùng Hưng…

Ở Hồ Gươm lúc đầu Nhà nước cũng phải làm mồi cho các hoạt động nhưng về sau do cách thức tổ chức hiệu quả nên người dân xung quanh rồi người dân từ nơi nào đó tình nguyện kéo đến tạo nên các không gian giao lưu rất riêng, từ việc chơi trò chơi dân gian, biểu diễn nhạc trẻ…

Hà Nội đã tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Trong đó việc tạo nên những không gian đi bộ cũng là cách tạo ra các không gian sáng tạo. Theo ông, để có một Thủ đô sáng tạo thực sự, chúng ta cần chú trọng điều gì?

- Tôi cho rằng, trước hết cần có những con người sáng tạo, được phát triển trong một hành lang pháp lý ổn định. Chính quyền nên tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sự phát triển công nghệ và sáng tạo. Xây dựng Thành phố Sáng tạo, cần một kịch bản tổng thể và một “tổng đạo diễn” thông minh. Bởi lẽ những sản phẩm sáng tạo không thể chỉ đánh giá theo cách thông thường.

Thời gian qua, chúng ta có thêm phố bích họa Phùng Hưng, những khu phố đi bộ, cá nhân tôi cũng được mời tham vấn ý tưởng cho TP về những không gian này. Phải nói rằng đó là những ý tưởng tốt, đưa nghệ thuật tương tác với cuộc sống, kết nối người dân trong không gian công cộng của Thủ đô…

Nhưng để có thể nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của người dân, hình thành một đời sống nghệ thuật thực sự thì cần nhiều hơn thế, bắt đầu từ sự “thức tỉnh” của mỗi cá nhân, thay đổi tư duy của cộng đồng. Rõ ràng, nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi cần có một không gian rộng lớn hơn để tương tác, cộng đồng giao lưu và cộng sinh trong một TP giàu sức sáng tạo.

Xin cảm ơn ông!

 

Trong năm 2022, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở VH&TT phối hợp với các quận, huyện mở rộng thêm 3 đến 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ trong đó có tuyến phố đi bộ. Trong đó, từ ngày 30/4/2022 thị xã Sơn Tây đã chính thức khai trương không gian đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây. Trong thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu mở các không gian đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì)...

"Ở Việt Nam có 2 mô hình thành công là phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) và phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh). Sự thành công của không gian công cộng nằm ở việc lắng nghe nhu cầu của người dân và thiết kế phù hợp với nó. Cá nhân tôi cho rằng để phát huy tiềm năng du lịch của Thủ đô Hà Nội, điều chúng ta nên quan tâm không phải số lượng phố đi bộ hình thành, mà là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó." - Ths.KTS Vương Thùy Dương - Chuyên gia Quy hoạch và Thiết kế enCity