KTS Trần Tuấn Anh: Chỉ nên xây dựng ở khu đô thị mới

Doãn Thành (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căn hộ 25m2 tại các dự án chung cư thương mại được xem là lời giải cho bài toán nhà ở của người có thu nhập thấp. Nhưng nếu phát triển mạnh sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, KTS Trần Tuấn Anh – chuyên gia về quy hoạch đô thị để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 Thạc sĩ, KTS Trần Tuấn Anh – chuyên gia về quy hoạch đô thị 
Thưa ông, những ngày gần đây, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc Bộ Xây dựng cho phép xây dựng căn hộ diện tích từ 25m2 tại các dự án chung cư thương mại. Về góc độ người làm công tác quy hoạch đô thị, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Nhìn nhận một cách khách quan, tôi cho rằng đây là một biện pháp tốt từ Bộ Xây dựng trong việc giải quyết nhu cầu ngày càng cấp thiết về chỗ ở của người dân tại các đô thị lớn, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sự gia tăng dân số tự nhiên nhanh tại các đô thị khiến cho nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng cao. Chỉ tính riêng tại hai đô thị này mỗi năm dân số tăng cơ học thêm từ 500.000 – 600.000 người, áp lực về nhà ở là rất lớn.
Việc gia tăng dân số nhanh khiến cho đất đai tại các đô thị ngày càng trở nên khan hiếm, giá BĐS tăng cao, vượt ngoài khả năng về tài chính của những gia đình trẻ hay những người có thu nhập thấp. Để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội buộc chính quyền đô thị phải đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa để có quỹ đất đầu tư hạ tầng.
Nhưng khi đô thị hóa mở rộng lại phải tiếp nhận thêm một lượng lớn dân số chuyển dịch từ khu vực nông thôn sang thành thị, như vậy vấn đề về nhà ở lại càng trở nên cấp bách. Việc đưa ra một mô hình căn hộ có diện tích vừa phải, bán với mức giá hợp lý sẽ giúp ích rất nhiều cho nhóm người thu nhập thấp tại đô thị.
Thưa ông, có nhiều lo ngại việc cho phép xây dựng căn hộ có diện tích nhỏ sẽ phá vỡ quy hoạch và áp lực lên hạ tầng?
- Đúng là như thế. Nếu như trước đây, quy định một căn hộ có diện tích tối thiểu từ 45 – 50m2 tương ứng với một gia đình sinh sống, thì với quy định mới này căn hộ đó sẽ được chia đôi ra thành hai gia đình, gây ra những áp lực lớn lên toàn bộ hệ thống hạ tầng tại khu vực đó như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, thiếu các dịch vụ tiện ích...
Nhưng ở rất nhiều các quốc gia có nền kinh tế phát triển, để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân trước tình trạng đất đai hạn hẹp và khả năng tài chính không nhiều, họ vẫn cho phát triển mô hình căn hộ có diện tích nhỏ dưới 25m2, cá biệt có một số TP còn cho phép tồn tại những căn hộ có diện tích siêu nhỏ với diện tích khoảng 9 – 10m2 (dành cho người độc thân – PV).
Như vậy, có thể thấy rằng, việc cho phép xây dựng những căn hộ thương mại có diện tích từ 25m2 là vẫn có thể chấp nhận được trong lúc nhu cầu về nhà ở ngày càng trở nên cấp thiết tại các đô thị. Mặt khác, chúng ta có thể nhìn nhận từ kết quả của mục tiêu phát triển nhà ở của Chính phủ đến năm 2020 nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ đạt được khoảng 1/3 nhu cầu.
Vậy để loại hình sản phẩm này được phát triển một cách hợp lý và giải quyết tốt cho nhu cầu nhà ở của người dân cần phải làm gì, thưa ông?
- Theo tôi không nên lạm dụng vào chủ trương này để phát triển một cách ồ ạt các dự án chung cư thương mại có diện tích từ 25m2 tại khu vực nội đô. Nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ vấn đề này, vì sau khi được cho phép sẽ có rất nhiều dự án trong khu vực trung tâm sẽ tranh thủ để phát triển loại hình sản phẩm này, do nó dễ bán và lợi nhuận được dự báo là tương đối hấp dẫn.
Tốt nhất, đối với các dự án chung cư thương mại muốn phát triển loại hình căn hộ có diện tích từ 25m2 thì không nên cho xây dựng tại các khu vực nội đô đã có sự ổn định cả về hạ tầng và quy mô dân số. Thay vào đó, chỉ nên cho phép xây dựng tại các khu đô thị mới – nơi được quy hoạch đầy đủ các chức năng đô thị, với hạ tầng và công trình dịch vụ đáp ứng với nhu cầu của nhóm dân cư mới.
Xin cảm ơn ông!