Trở về từ chuyến thực địa dọc sông Đáy, chúng tôi đã thực sự rơi vào trạng thái bất ổn. Hình ảnh về những bãi thải đua nhau mọc lên ở hai bên bờ sông như những gì đang hàng ngày hàng giờ bóp nghẹt dòng chảy con sông từng một thời là biểu tượng của sự trù phú tốt tươi cứ ám ảnh trong tâm trí chúng tôi như những chiếc dùi nung bỏng rát. Càng xót xa hơn khi bi kịch ấy đâu phải chỉ sông Đáy phải gánh chịu mà còn là nỗi đau chung của nhiều dòng sông khác.
“Bức tử” dòng sông Mẹ
Nếu như sông Đáy đang phải đối mặt với vấn nạn đổ thải lấp dòng chảy thì một “người anh em” của dòng sông này là sông Nhuệ lại phải chịu đựng “màn tra tấn” còn đáng sợ hơn, đó là sự xâm lấn của hàng loạt các nhà xưởng, công trình ở hai bên bờ sông. Ngày 19/11/2024, UBND phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội đã tổ chức cưỡng chế 2 công trình trình vi phạm hành lang bảo vệ đê sông Nhuệ nằm trên đường Thanh Bình.
Tuy nhiên, điều bất ngờ ở chỗ, khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch UBND phường Mộ Lao thừa nhận, cả dãy bờ sông Nhuệ chạy dọc đường Thanh Bình gồm 355 hộ đều là công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang bảo vệ sông Nhuệ, trong đó có 2 trường hợp UBND phường Mỗ Lao tổ chức cưỡng chế vào ngày 19/11.
Bà Thanh không nhớ chính xác tổng diện tích của 355 trường hợp vi phạm trên là bao nhiêu nhưng có một điều chắc chắn là tất cả các công trình trên đều là công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang bảo vệ đê sông Nhuệ. Câu chuyện tại phường Mộ Lao chỉ là một “đầu mục nhỏ” trong cả một “thiên tiểu thuyết” khắc họa lên số phận bi thảm của một trong những dòng sông từng được coi là biểu tượng của vùng đất quê lụa một thời.
Từ quận Hà Đông đến huyện Thanh Trì, từ quận Nam Từ Liêm đến huyện Thanh Oai, từ quận Bắc Từ Liêm đến huyện Thường Tín… dọc chiều dài gần 80km của dòng sông này, không khó để chúng ta có thể bắt gặp những dãy nhà xưởng, chuỗi công trình được xây dựng ngay sát bờ sông, thậm chí đua ra cả dưới chân sông Nhuệ. Xen lẫn những công trình xâm lấn bờ sông là những bãi phế thải, rác thải đổ thắng xuống bờ sông, tràn xuống cả dưới lòng sông khiến cho dòng chảy của sông Nhuệ ngày càng bị thu hẹp trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Những tưởng chỉ có những dòng sông “con” như sông Nhuệ, sông Đáy mới rơi vào tình trạng bị xâm hại. Tuy nhiên, ngay cả sông Hồng – dòng sông được mệnh danh là sông Mẹ cũng đang ngày đêm bị bức tử. Suốt nhiều năm qua, không ít vụ việc đổ thải lấn sông, xây dựng công trình trái phép trên hành lang bảo vệ đê sông Hồng đã bị phanh phui khiến dư luận người dân không khỏi lo ngại cho số phận của dòng sông đã sản sinh ra vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn này.
Một trong những “điểm nóng” của tình trạng đổ thải trái phép xuống lòng sông Hồng chính là khu vực chân cầu Vĩnh Tuy, thuộc địa phận phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Tại đây, cả một khu vực bờ sông rộng lớn, trước đây sạch sẽ, nên thơ là thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã bị các đối tượng đổ trộm hàng ngàn tấn chất thải, biến nơi đây thành một bãi rác khổng lồ gây ô nhiễm môi trường và trực tiếp làm thu hẹp lòng sông.
Điều đáng nói, hành vi đổ thải này không phải ngẫu nhiên mà hoàn toàn có chủ ý khi không lâu sau khi những đống phế thải xuất hiện tại đây, lập tức có đối tượng dùng máy ủi đến san lấp mặt bằng để làm nơi dựng công trình tạm, bãi để xe hoặc thậm chí là nhà xưởng, kho bãi.
Ngoài vấn nạn đổ thải thu hẹp dòng chảy, sông Hồng còn đang phải đối mặt với cuộc xâm chiếm của hàng loạt khu nhà xưởng trái phép, được xây dựng ngay trên hành lang thoát lũ của sông. Điển hình là tại các xã Ninh Sở, Hồng Vân, Thống Nhất của huyện Thường Tín khi có hàng loạt khu nhà xưởng, kho bãi được xây dựng trái phép trên hành lang thoát lũ của sông Hồng.
Đặc biệt, tại bãi sông Hồng thuộc địa phận huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có một quần thể công trình xây dựng kiên cố vi phạm pháp luật về đê điều tồn tại suốt gần chục năm nay nhưng vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra xử lý.
Nước sông đổi màu, cá chết trắng bụng
Giữa tháng 6/2024, chúng tôi nhận được thông tin từ bạn đọc là người dân phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên về việc dòng nước ở kênh Trần Thành Ngọ (con kênh đổ trực tiếp ra sông Bắc Hưng Hải thuộc địa phận phường Dị Sử, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) bất ngờ chuyển màu bất thường.
Vội vàng chạy đến hiện trường, chúng tôi không khỏi giật mình khi cả một đoạn dài của dòng kênh Trần Thành Ngọ có màu nước bất thường. Tại khu vực đầu cống xả của Nhà máy xử lý nước thải số 2 (Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B) đổ ra kênh, nước chuyển màu hồng như tiết loãng. Càng đi về phía hạ lưu của con kênh, màu nước dần chuyển sang màu nâu đỏ đục. Người dân địa phương cho biết, tình trạng nước đổi màu đã diễn ra suốt nhiều ngày.
Với công suất 8.000m3/ngày đêm của nhà máy xử lý nước thải này thì có thể ước tính trong từng ấy thời gian đã có hàng chục ngàn khối nước ô nhiễm đổ ra kênh Trần Thành Ngọ, từ đó đổ về sông Bắc Hưng Hải. Điều này làm người dân địa phương vô cùng lo lắng. Đây không phải là lần đầu tiên con sông chạy qua đất “Phố Hiến” này được nhắc đến bởi tình trạng ô nhiễm trong năm 2024.
Cách đó chừng 3 tháng, hình ảnh về dòng nước đen đặc, sủi bọt, bốc mùi hóa chất được những chiếc máy bơm thủy lợi lấy trực tiếp từ hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đưa vào đồng ruộng ở thôn Xuân Tràng, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên xuất hiện khiến dư luận và người dân cả nước không khỏi rùng mình. UBND tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 2 doanh nghiệp nằm trong vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Công ty TNHH may thêu Khải Hoàn và Công ty TNHH dệt may Đại Hoa.
Trước đó, trong các năm 2021 và 2022, Công ty CP phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối đã nhiều lần vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường. Đặc biệt, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết thì từ năm 2023 đến cuối năm 2024, đã có 155 trường hợp “đầu độc” hệ thống sông Bắc Hưng Hải bị các cơ quan chức năng tỉnh này phát hiện và xử phạt với tổng số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Đây thật sự là con số khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Cách Hưng Yên không xa, tại tỉnh Bắc Ninh cũng có một dòng sông bị đầu độc bởi chất thải từ cụm công nghiệp làng nghề. Đó là sông Ngũ Huyện Khê với “thủ phạm” là làng nghề giấy Phong Khê, TP Bắc Ninh. Thống kê của UBND TP Bắc Ninh cho thấy, trên địa bàn phường Phong Khê có 324 cơ sở sản xuất giấy, trong đó có 228 cơ sở, doanh nghiệp nằm trong khu dân cư, sản xuất trên đất vi phạm.
Theo đánh giá của UBND TP Bắc Ninh, nước thải và khí thải trong hoạt động sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê được xác định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho khu vực, sông Ngũ Huyện Khê (đoạn qua TP Bắc Ninh) ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Cầu về sức khỏe của người dân, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường từ nhiều năm.
Khối lượng rác thải từ sản xuất (rác lề thủy lực, bùn thải, đinh ghim, tạp chất...) còn tồn đọng với khối lượng lớn chưa được xử lý. Đặc biệt là mỗi khi trời mưa, nguồn nước thải từ các cống rãnh tràn lên đường cộng với mùi hôi thối từ các cơ sở sản xuất giấy bốc ra khiến không khí ngột ngạt. Lúc cao điểm, cả phường có tới gần 300 nồi hơi hoạt động để phục vụ sản xuất giấy với công nghệ cũ kỹ, lạc hậu gây ô nhiễm nặng nề.
Đầu tháng 8/2024, người dân xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bất ngờ phát hiện cá chết hàng loạt, nổi trắng một khúc sông Ngũ Huyện Khê. Người dân địa phương đặt nghi vấn chính khúc sông chảy qua làng giấy Phong Khê, nơi có nhiều nhà máy tái chế giấy xả nước thải ra sông là “thủ phạm” dẫn đến cá chết và dồn về khu vực đập Phú Lâm.