Để có câu trả lời về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các trang trại, cơ sở chăn nuôi và trật tự xây dựng trên địa bàn xã Ea H’Mlây, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Tô Minh Mại – Chủ tịch UBND xã và nhận được nhiều câu trả lời bất ngờ.

Tại buổi làm việc, ông Mại cho biết, xã có gần 200 trang trại và cơ sở chăn nuôi, chủ yếu là nông hộ, việc xây dựng một cách tự phát, không theo quy hoạch, chưa có trang trại nào được cấp phép theo quy định, hệ thống xử lý chất thải chưa đảm bảo gây ô nhiễm môi trường.
Thậm chí, gia đình ông cũng có cơ sở chăn nuôi khoảng 95 con heo và là 1 trong 8 trang trại đấu ống nhựa xả thải trực tiếp xuống hồ Đội 6 mà báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh ở kỳ 1. Về việc này ông Mại lý giải, xả thải xuống hồ là để nuôi cá rô, mặc dù đã gây ô nhiễm nguồn nước và đây là hồ tưới tiêu do chi nhánh thuỷ lợi quản lý.
“Việc xả thải xuống hồ chính quyền xã nắm được chứ, nhưng giờ cấm hộ này thì mất hộ khác, cái hồ đó thì chỉ để tận dụng để tưới tiêu, các vấn đề đó rất ảnh hưởng môi trường nhưng rất khó để xử lý…” ông Mại nói.
Chất thải chăn nuôi được xả trực tiếp xuống hồ Đội 6 bằng các ống nhựa.
Đối với các trang trại có quy mô lớn tại khu vực nghĩa địa thôn 6 (xã Ea H’Mlây, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) xây dựng vào khoảng cuối năm 2024. UBND xã Ea H’Mlây cũng đã có kiểm tra, không có giấy phép nhưng không lập biên bản, cũng không báo cáo với UBND huyện M’Đrắk để có phương án xử lý. Đối với công tác bảo vệ môi trường từ chất thải trang trại và trật tự xây dựng, UBND xã chưa lập biên bản hành chính một trường hợp nào.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xây dựng các trang trại có quy mô lớn, ông Mại cho biết: Việc xây dựng như vậy là không đúng quy định, tất cả đều xây dựng trên đất nông nghiệp. Ngoài ra, để người dân xây dựng quy mô lớn như vậy một phần cũng do có nhà đầu tư.
“Có lẽ là toàn huyện M’Đrắk cũng như xã tôi thôi, việc kiểm tra chỉ để nắm bắt thôi, chứ mà kiểm tra rồi báo cáo xử lý thì chưa làm được. Tôi cũng khẳng định như vậy. Có thể là xã Ea Lai, xã Ea Riêng… kể cả ở đâu thì cũng chỉ nắm bắt số liệu, còn lại để mà kiểm tra xử lý thì còn nhiều vướng mắc…” vị Chủ tịch cho biết thêm.
Như vậy, có thể thấy rằng việc các trang trại xả thải gây ô nhiễm môi trường, vi phạm trật tự xây dựng, phía UBND xã đều nắm bắt được sự việc. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý của cấp cơ sở, việc kiểm tra chỉ dừng lại ở chỗ là nắm bắt, thống kê và “tạo điều kiện” cho dân, không có các biện pháp ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo quy định của pháp luật, Chủ tịch xã là người chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chủ tịch xã có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, tại xã Ea H’Mlây có dấu hiệu thiếu kiểm tra, giám sát, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và trật tự xây dựng. Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của địa phương…
Là tạo điều kiện hay buông lỏng quản lý, các cơ quan quản lý của huyện M’Đrắk cần khẩn trương vào cuộc để làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.