Các chuyên gia cho rằng, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng có liên quan.
“Mắt nhắm, mắt mở” bỏ mặc vi phạm?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, chế tài xử phạt đối với hành vi đổ trộm chất thải ra môi trường hiện nay đã đủ mạnh và đủ sức răn đe.
“Theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì hành vi đổ trộm chất thải rắn thông thường có thể bị phạt tối đa tới 7 năm tù. Đây không phải là mức phạt nhẹ” - luật sư Bùi Đình Ứng nói.
Để làm rõ luận điểm của mình, luật sư này cho biết, Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 200.000kg đến dưới 500.000kg. Đặc biệt, nếu lượng chất thải rắn thông thường vượt quá 500.000kg thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.
Chuyên gia pháp lý này cho rằng, việc chế tài đã mạnh nhưng vi phạm vẫn tràn lan là do chính cơ quan thực thi pháp luật. “Có thể là họ ngại làm. Vì muốn xử lý hình sự, phải trưng cầu giám định xem chất thải đó là chất thải gì, rồi giám định lượng chất thải đổ ra là bao nhiêu... thế nên cứ xử phạt hành chính cho nhanh” - luật sư Bùi Đình Ứng nhận định.
Ông nhấn mạnh, muốn chấm dứt hành vi đổ trộm chất thải lấp sông tràn lan như hiện nay, vai trò và thái độ của cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương, cụ thể là cơ quan điều tra giữ vai trò rất quan trọng.
Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, để xảy ra tình trạng sông Đáy bị bức tử có trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sông ngòi, đê điều, đất đai, môi trường là không nhỏ. “Những cơ quan, đơn vị đó sinh ra để làm gì? Đây không đơn giản chỉ là câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” nữa mà chắc chắn có chuyện “mắt nhắm, mắt mở”, bao che cho sai phạm chứ với hành vi lấp sông như thế không thể nói là không biết được”.
Ông chỉ ra một hiện tượng phi lý vẫn đang tồn tại, đó là khi một gia đình xây nhà, chỉ cần xe chở cát đổ xuống sân là ngay lập tức chính quyền địa phương đã biết, cho người đến kiểm tra song cả một khúc sông dài bị đổ thải, lấp dòng chảy làm mặt bằng thì không ai biết.
“Ở nước ngoài, chỉ cần đổ chất thải ra nơi công cộng thôi cũng đã bị xử lý hình sự rồi. Đằng này đổ thải lấp cả sông thì không thể nhắm mắt cho qua được” - luật sư Bùi Đình Ứng nhấn mạnh.
Khó hoàn thổ
Nhìn nhận vấn đề trên góc độc chuyên môn, TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) khẳng định, hành vi đổ chất thải lấp sông Đáy sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với dòng chảy của sông, hệ thống thoát lũ, đê điều.
“Ngoài việc làm thay đổi chất lượng nguồn nước, việc đổ thải xuống sông còn trực tiếp ảnh hưởng đến dòng chảy, thậm chí có thể khiến dòng chảy bị tắc nếu như lượng chất thải quá nhiều” - TS Hoàng Dương Tùng nói.
Vị chuyên gia này tỏ ra ngạc nhiên khi một hành vi phạm pháp, gây hậu quả nghiêm trọng như đổ thải lấp sông Đáy lại có thể diễn ra trong thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý.
“Địa phương hoàn toàn có thể phát hiện và ngăn chặn. Họ có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt ngay khi sai phạm mới bắt đầu diễn ra” - ông nói và cho rằng, rõ ràng nhiều nơi, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đã không làm hết trách nhiệm hoặc làm ngơ cho sai phạm.
Về việc xử lý trách nhiệm, TS Hoàng Dương Tùng cho biết, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền cơ sở. Ở đây có thể thấy, chính quyền địa phương đã không theo sát tình hình trên địa bàn nên mới để xảy ra tình trạng đổ thải tràn lan xuống sông và cấp đất, xây nhà ngay trên hành lang thoát lũ của sông Đáy.
Theo chuyên gia này, hiện nay lực lượng chức năng địa phương được đào tạo rất bài bản. Trong đó, đáng chú ý nhất là lực lượng công an chính quy đều đã được đưa về tận các phường, xã, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như vũ trang đều đã được nâng cao lên rất nhiều so với trước. Vì thế không thể lấy cớ rằng lực lượng công an mỏng, địa bàn rộng để đổ lỗi cho việc để cho hành vi đổ trộm thải xuống sông Đáy xảy ra tràn lan trên địa bàn.
Về việc khắc phục hậu quả, TS Hoàng Dương Tùng cho biết, trong chế tài xử phạt đối với hành vi đổ trộm chất thải, ngoài xử phạt hành chính và các biện pháp ngăn chặn khác còn có một quy định là yêu cầu tổ chức, cá nhân đổ thải phải khắc phục hậu quả, hoàn thổ và trả lại nguyên trạng ban đầu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Hoàng Dương Tùng, quy định này không dễ để thực hiện bởi chi phí cao hơn nhiều so với việc bị xử phạt hành chính. Chính vì thế mới có tình trạng, sai phạm rất nhiều song những trường hợp bị phát hiện, xử phạt mà khắc phục hậu quả bằng cách hoàn thổ thì rất ít.
“Chi phí cho việc này quá lớn và cái quan trọng là không khả thi” - chuyên gia nói và cho biết thêm, đây chính là lý do tại sao rất nhiều trường hợp vi phạm bị phát hiện, bị xử phạt nhưng vẫn cho tồn tại.
Để chấm dứt tình trạng đổ trộm chất thải xuống sông, TS Hoàng Dương Tùng cho biết sẽ cần nhiều giải pháp. Trong đó tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân vẫn là quan trọng nhất. Ngoài ra, có thể tính đến phương án sử dụng công nghệ để giám sát, phát hiện sai phạm bằng cách lắp camera ở những khu vực có khả năng bị đổ trộm thải. Giá camera giám sát giờ rất rẻ, cách làm này chi phí không cao mà phát huy hiệu quả.
Đổ trộm chất thải xuống sông không phải là việc có thể làm nhanh gọn trong thời gian ngắn, một vài tiếng, mà diễn ra trong thời gian dài. Với lực lượng đầy đủ các ban bệ từ công an, địa chính, cán bộ thôn xóm và thậm chí cả “tai mắt” của quần chúng Nhân dân thì không thể nói là không biết, không nắm được.
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, TS Hoàng Dương Tùng