Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ họp thứ 14 HĐND TP: Xem xét thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống Covid-19

Công Thọ - Thủy Tiên - Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/5, tại trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội, HĐND TP khóa XV tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp không thường kỳ) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà chủ trì Kỳ họp. Tới dự có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương; đại diện các cơ quan T.Ư, các sở, ngành, quận, huyện TP Hà Nội.
 Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội 
Hà Nội đã kiểm soát tốt được dịch bệnh
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, gây tổn thất lớn về sinh mạng con người và gây khủng hoảng kinh tế nặng nề trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh chung đó, Thủ đô Hà Nội cùng các địa phương trong cả nước đã triển khai nghiêm túc các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ; tập trung lãnh đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô, đặc biệt là TP đã kiểm soát tốt được dịch bệnh.
Có được kết quả đó là do sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của UBND TP, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chấp hành nghiêm túc của người dân. TP đã ưu tiên dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch: Đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ, nhân lực cho việc dự phòng, cách ly, điều trị.
Thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid19 của TP, TP đã chi 505 tỷ đồng từ ngân sách TP cho chính sách trên.
Cùng đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của TP đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch số tiền lên đến trên 170 tỷ đồng; các cán bộ công chức TP dành 1 ngày lương để ủng hộ công tác phòng, chống dịch với số tiền xấp xỉ 56 tỷ đồng; MTTQ đã tổ chức hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng đang thực hiện cách ly tại các địa phương, các lực lượng công an, quân đội, y bác sỹ, cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, các bệnh nhân, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 số tiền trên 30 tỷ đồng và các hàng hóa thiết yếu khác. Những kết quả trong phòng chống dịch Covid-19 của TP được cử tri, Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND TP, với đặc thù TP Hà Nội có số ca nhiễm, số người bị cách ly nhiều nhất cả nước (toàn TP đã tổ chức cách ly gần 8 nhìn người tại 13 khu tập trung và các khách sạn, trên 71 nghìn người cách ly tại cộng đồng, điều trị và cách ly tập trung tại các bệnh viện, có 3 ổ dịch cần phải cách ly với số lượng người dân cách ly rất lớn…), nên để phục vụ công tác này, TP đã huy động sự tham gia của các lực lượng quân đội, công an, y tế, cán bộ thôn tổ dân phố. Trong đó, một số đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch mà TP huy động đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 37/NQ-CP nhưng cũng còn một số đối tượng chưa được hưởng hỗ trợ do các lực lượng tham gia chống dịch của TP được huy động với phạm vi rộng hơn theo quy định của Trung ương.
Việc quy định bổ sung chế độ chi cho các đối tượng này là cần thiết để động viên kịp thời các lực lượng đã, đang và sẽ được huy động chống dịch mà chưa được các nghị định của Chính phủ quy định là rất cần thiết, phù hợp với điều kiện của TP; những đối tượng này cũng là những người đi đầu trong công tác chống dịch.
Vì vậy, tại Kỳ họp này, trong điều kiện của TP, HĐND Thành phố sẽ xem xét thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, gồm: Quy định chính sách hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội năm 2020 ứng phó kịp thời với dịch Covid-19; Quy định cơ chế đặc thù về nguồn kinh phí thực hiện dạy học trên truyền hình; Quy định nội dung và mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; Quy định nội dung, mức hỗ trợ tiền thuê nhà đối với sinh viên, công nhân, các hộ gia đình, cá nhân thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước do ảnh hưởng của Covid-19; Quy định cơ chế đặc thù hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên bị suy giảm nguồn thu, không đảm bảo tự chủ chi thường xuyên do ảnh hưởng của Covid-19.
 Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc Kỳ họp (ảnh: Thanh Hải)
Bên cạnh đó, tiếp tục tinh thần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “kép” - vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của TP, HĐND sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng ngân sách TP; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP (đợt 1) năm 2020.
Đây là những dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, mang tính chất quan trọng để xây dựng hạ tầng kinh tế, giao thông, thủy lợi, phát triển giáo dục đào tạo, có tác động lớn đến thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh. Do vậy, các nội dung nghị quyết về chủ trương đầu tư, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn lần này đều được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định của pháp luật và bảo đảm tính khả thi.
“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Chống dịch như chống giặc” và chúng ta đã chiến thắng bước đầu, thì giờ đây, tinh thần “Chống trì trệ như chống dịch”, TP chúng ta càng phải gương mẫu, đi đầu, thúc đẩy duy trì phát triển kinh tế tăng trưởng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo an sinh xã hội.
Với nội dung quan trọng, mang tính cấp thiết, kịp thời của Kỳ họp, tôi trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, các đại biểu HĐND TP tiếp tục hiến kế, đóng góp tâm sức, xây dựng nghị quyết HĐND thiết thực, khả thi, đi vào cuộc sống” - đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ.
Hà Nội chi 406 tỷ đồng cho 5 chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19
Tại phiên họp, với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội.

Danh mục quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội gồm 5 nội dung.

Một, quy định nội dung và mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Hai, quy định nội dung, mức hỗ trợ tiền thuê nhà đối với sinh viên, công nhân, các hộ gia đình, cá nhân thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước.

Ba, quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện dạy học truyền hình.

Bốn, quy định chính sách hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020 ứng phó với dịch Covid-19.

Năm, quy định cơ chế đặc thù hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên bị suy giảm nguồn thu, không đảm bảo tự chủ chi thường xuyên do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo báo cáo của UBND TP, trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên địa bàn TP có phát sinh một số nội dung, mức chi chưa được Trung ương quy định và cơ chế đặc thù cần được ban hành nhằm động viên kịp thời các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần ngăn chặn khả năng lây lan của dịch bệnh, đảm bảo sự hoạt động ổn định của các đơn vị sự nghiệp công lập của TP trong năm 2020.
  Các đại biểu HĐND TP thông qua Nghị quyết. 

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cho thấy, việc UBND TP trình HĐND TP quyết định cơ chế đặc thù, các nội dung, mức chi cụ thể là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế của công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.

Phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng vốn đầu tư công

Tại Kỳ họp, với 92/92 đại biểu có mặt tán thành (đạt 91,09% tổng số đại biểu), HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một sổ dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội.

Theo đó, HĐND TP quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án nhóm C sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội (thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông), với tổng mức đầu tư dự kiến 34 tỷ 639 triệu đồng, gồm:

Cầu vượt cho người đi bộ qua đường 2,5 tại khu vực chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai (tổng mức đầu tư dự kiến 5.200 triệu đồng); cầu vượt cho người đi bộ qua đường Liễu Giai, quận Ba Đình (tổng mức đầu tư dự kiến 8.009 triệu đồng); cầu vượt cho người đi bộ tại trước tòa nhà HH1A, HƯD3, CT5-X2 trong khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai (tổng mức đầu tư dự kiến 3.944 triệu đồng); cầu vượt cho người di bộ qua đường Nguyền Hoàng, quận Nam Từ Liêm (tổng mức đầu tư dự kiến 5.533 triệu đồng); cầu vượt cho người đi bộ qua đường Ngọc Hồi tại khu vực bến xe Nước Ngầm, quận Hoàng Mai (tổng mức đầu tư dự kiến 6.001 triệu đồng); cầu vượt cho người đi bộ qua đường Đào Tấn, quận Ba Đình (tổng mức đầu tư dự kiến 5.952 triệu đồng). Cả 6 dự án này đều do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện trong năm 2021-2022.

  Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội

Bên cạnh đó, HĐND TP quyết nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án (gồm 3 dự án nhóm B và 1 dự án nhóm C) sử dụng vốn đầu tư công của TP (thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật), với tổng mức đầu tư dự kiến 713 tỷ 272 triệu đồng, gồm:

Thứ nhất, dự án xây dựng HTKT khu tái định cư xã Hồng Kỳ phục vụ di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 500m từ hàng rào khu LHXLCT Sóc Sơn). Theo đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 89.756 triệu đồng thành 101.600 triệu đồng (các nội dung khác giữ nguyên theo Phụ lục 20 ban hành kèm theo Nghị quyết 12/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND TP về chủ trương đầu tư 26 dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của TP).

Thứ hai, dự án Sửa chữa, bảo trì, lắp đặt bổ sung, thay thế linh kiện, thiết bị và phương tiện hệ thống PCCC đã được trang bị, lắp đặt theo thiết kế ban đầu tại các chung cư tái định cư (Khu Xuân La, Xuân Đỉnh, Nghĩa Đô, Phú Thượng, Mễ Trì Hạ, Lê Đức Thọ, Cầu Diễn và khu Thành phố Giao lưu)- giai đoạn 1 (23 vị trí). Theo đó, giữ nguyên quy mô theo chủ trương đầu tư được duyệt tại Quyết định số 4650/QĐ-ỨBND ngảy 05/9/2018 của UBND TP; bổ sung các nội dung sửa chữa, bảo trì, lắp đặt, thay thế linh kiện, thiết bị và phương tiện PCCC cho các tòa nhà CT1A, CT1B, CT1C khu đô thị Thành phố Giao lưu, quận Bắc Từ Liêm. Tổng mức đầu tư điều chỉnh từ 12.043 triệu đồng thành 14.919 triệu đồng; thời gian thực hiện điều chỉnh từ năm 2018-2019 thành 2018-2020 (các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định 4650/QĐ-UBND ngày 5/9/2018 của UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư dự án).

Thứ ba, dự án xây dựng tuyến đường từ Trung tâm thể thao quân đội Bộ Quốc phòng đến Khu bảo tàng quân sự Việt Nam (bao gồm cả cầu qua sông Nhuệ): Quy mô đầu tư được điều chỉnh như sau: Xây dựng tuyến đường mới dài L=350m với mặt cắt ngang phần đường điển hình B=30m (Bmặt=15m, Bhè=2x7,5m=15,0m) với đầy đủ hệ thống HTKT đồng bộ theo quy hoạch, gồm 2 đoạn tuyến.

Tổng mức đầu tư được điều chỉnh từ 227.793 triệu đồng thành 109.899 triệu đồng; thời gian thực hiện điều chỉnh từ năm 2018-2020 thành 2018-2022 (các nội dung khác giữ nguyên theo văn bản 291/HĐND-KTNS ngày 31/5/2018 của Thường trực HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư dự án).

  Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết 

Thứ tư, dự án Xây dựng tuyến đường từ trạm bơm cầu Ngà qua đường 70 đến hết địa phận quận Nam Từ Liêm (tuyến đường ven sông cầu Ngà): Quy mô đầu tư được điều chỉnh như sau: Xây dựng tuyến đường mới có quy mô như đã phê duyệt tại văn bản số 293/HĐND-KTNS ngày 31/5/2018 của Thường trực HĐND TP; bổ sung xây dựng cầu vượt trực thông tại nút giao giữa tuyến đường với đường sắt quốc gia Bắc Hồng - Văn Điển đảm bảo giao cắt khác mức với đường sát theo quy định theo nội dung đã phê duyệt tại Khoản 5, Điều 1, Quyết định 3272/QĐ-UBND ngày 19/6/2019 của UBND TP.

Tổng mức đầu tư được điều chỉnh từ 392.942 triệu đồng thành 486.854 triệu đồng; thời gian thực hiện điều chỉnh từ năm 2018-2020 thành 2018-2022 (các nội dung khác giữ nguyên theo văn bản 293/HĐND-KTNS ngày 31/5/2018 của Thường trực HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư dự án).

Thông qua Nghị quyết Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 và Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Thành phố năm 2020

Tại kỳ họp, với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 và Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP năm 2020.

Trình bày Tờ trình UBND TP, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Kết quả thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch Đầu tư công năm 2020 cấp thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Tổng mức kế hoạch vốn trung hạn đã được phê duyệt là 107.303 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2019, Thành phố đã cân đối bố trí là 79.115 tỷ đồng, đã giải ngân 67.490 tỷ đồng, đạt 85,3% kế hoạch đã giao. Lũy kế đến nay, Thành phố đã phân bổ 101.019 tỷ đồng, đạt 94,14% kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Đối với Kế hoạch Đầu tư công năm 2020, Thành phố giao Kế hoạch đầu tư phát triển là 44.918 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp Thành phố là 28.104 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là 16.814 tỷ đồng. Riêng phân bổ cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố gồm 207 dự án, trong đó: 123 dự án chuyển tiếp chiếm 87% tổng số vốn cho các dự án xây dựng cơ bản tập trung của Thành phố, còn lại 84 dự án mới chỉ chiếm 13% tổng số vốn.
Đến hết ngày 30/4/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển của toàn Thành phố đạt 13,8% kế hoạch, cao hơn mức cùng kỳ năm 2019 là 12,1%. Trong đó, giải ngân vốn xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố đạt 13,4% kế hoạch vốn. Các dự án dân sinh bức xúc, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid19 được đẩy nhanh tiến độ. Số dự án đã hoàn thành là 25 dự án (chiếm 23% số dự án dự kiến hoàn thành theo kế hoạch đầu năm - 108 dự án). Trong số 84 dự án mới, đến nay, đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 82/84 dự án; hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán 56/84 dự án; tổ chức đấu thầu và khởi công 30 dự án, còn 54 dự án tiếp tục đấu thầu, khởi công trong các tháng tiếp theo.
“Mặc dù, tiến độ triển khai và tỷ lệ giải ngân có cải thiện so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn thấp và chậm tiến độ so với yêu cầu” – Giám đốc Sở KH-ĐT nói.
Trên cơ sở rà soát khả năng triển khai thực tế, UBND Thành phố đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và giảm số vốn kế hoạch năm 2020 đã giao 2.112.500 triệu đồng của 29 dự án (28 dự án XDCB tập trung Thành phố, 01 dự án chương trình mục tiêu của Thành phố). Số vốn từ nguồn điều chỉnh giảm này, UBND Thành phố đề xuất bổ sung vốn cho một số dự án cấp bách; dân sinh, bức xúc; dự án hoàn thành trong năm 2020; các dự án có khả năng thực hiện tốt và một số dự án mới (7 dự án).
Đồng thời, UBND Thành phố đề nghị HĐND Thành phố xem xét, cho ý kiến về phương án phân bổ chi tiết phần vốn ngân sách Trung ương năm 2020 để thu hồi ứng trước đến hết năm kế hoạch 2019 chưa bố trí để thu hồi đối với 2 dự án (với số vốn là 161.600 triệu đồng).
Việc UBND Thành phố rà soát, đưa ra nguyên tắc điều chỉnh, phương án bố trí vốn năm 2020 và bố trí thu hồi ứng trước đến hết năm kế hoạch 2019 là cần thiết nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ngân sách nhà nước; phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. 
Cử tri đề nghị biểu dương Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP, UBND TP, Chủ tịch UBND TP
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, trong điều kiện của mình, TP đã ưu tiên dành sự quan tâm đến những cá nhân, tập thể tham gia trực tiếp hoặc khó khăn do bị tác động trực tiếp của dịch Covid-19. Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã yêu cầu HĐND, UBND rà soát tất cả đối tượng đã có thể bị tác động do dịch Covid-19 mà chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đề xuất chính sách hỗ trợ trong điều kiện của TP Hà Nội và được thể chế hóa bằng nghị quyết của HĐND.
Tại kỳ họp này, trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của TP, thể hiện quyết tâm của TP, HĐND TP đã thể chế hóa các quy định của Trung ương và thực tế công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP, HĐND đã xem xét, thông qua nghị quyết về cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù phù hợp với phòng, chống và khắc phục hậu quả do dịchCovid-19 trên địa bà TP mà thuộc thẩm quyền của HĐND TP. HĐND TP cũng nhất trí rất cao về sự cần thiết ban hành ngay Nghị quyết này để triển khai thực hiện.
Kỳ họp thứ 14 HĐND TP: Xem xét thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống Covid-19 - Ảnh 7
 
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, tại Kỳ họp, HĐND cũng đã thông qua những chủ trương về đầu tư các dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án của các nhóm dự án đủ điều kiện; đồng thời đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn 2016-2020, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP (đợt 1) năm 2020. Đây là những nội dung hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vừa bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội của TP.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết HĐND vừa ban hành, tôi đề nghị: UBND TP tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các Nghị quyết đã được Kỳ họp thứ 14 - HĐND TP thông qua, đặc biệt là Nghị quyết về cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù phục vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả do dịch Covid- 19.
Đây là Nghị quyết mang tính cấp bách với số người thụ hưởng rất lớn. Theo báo cáo của các sở, ngành TP, dự kiến khi thực hiện các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết của HĐND, số người được hưởng lên đến gần 70 nghìn người (chưa kể số người lao động trong các cơ sở công lập tự chủ), trên 80 nghìn doanh nghiệp. Số kinh phí dự toán lên tới 400 tỷ đồng từ ngân sách TP và quận, huyện.
Vì vậy, UBND TP cần tập trung chỉ đạo bố trí kinh phí hỗ trợ sớm đến được với các tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng được hưởng, bảo đảm minh bạch, công khai, kịp thời, đúng người, đúng đối tượng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay tại cơ sở, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách, phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ của TP; tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành rà soát sở, ban, ngành tiếp tục rà soát các đối tượng liên quan để TP tiếp tục có cơ chế hỗ trợ cho phù hợp. Đề nghị UBND TP tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp để duy trì, khôi phục phát triển kinh tế, trong đó thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm; khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ, đẩy nhanh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân - coi đây là giải pháp quan trọng phát triển kinh tế, nhanh chóng khắc phục các ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Thường trực HĐND TP cũng yêu cầu các Ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP và đề nghị các cử tri tiếp tục tập trung theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện  nghị quyết của HĐND TP về vấn đề này.
“Kỳ họp thứ 14 HĐND TP đã hoàn thành những nội dung đề ra với sự đồng thuận rất cao. Thay mặt HĐND TP, tôi trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đã rất quan tâm chỉ đạo vấn đề này; đặc biệt cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND TP và các đồng chí đại diện các cơ quan đã cùng HĐND TP triển khai rất trách nhiệm các nội dung Kỳ họp.
Chúng tôi cũng trân trọng cảm ơn Nhân dân Thủ đô trong thời gian qua đã đồng hành với chính quyền TP để chống dịch, nghiêm túc thực hiện yêu cầu của các cơ quan chuyên môn và chính quyền. Đồng thời, đề nghị Nhân dân TP thời gian tới tiếp tục thực hiện nghiêm túc những yêu cầu của cơ quan chuyên môn về phòng chống dịch và nỗ lực tổ chức lại các hoạt động nhằm khắc phục khó khăn do dịch gây ra, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cơ chế chính sách mà Chính phủ và HĐND dành cho việc khắc phục hậu quả của dịch Covid-19" - Chủ tịch HĐND TP nói.
Kỳ họp thứ 14 HĐND TP: Xem xét thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống Covid-19 - Ảnh 8
 Toàn cảnh Kỳ họp
Cùng đó, đồng chí nêu rõ, HĐND TP biểu dương, bày tỏ sự biết ơn đến các lực lượng y bác sỹ, người lao động trong các ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng (trong đó có các đại biểu HĐND TP) trên các lĩnh vực trong thời gian qua đã đi lên tuyến đầu trong phòng chống dịch, để người dân Hà Nội được yên tâm ở nhà phòng dịch, tạo nên niềm tin của Nhân dân TP.
HĐND TP cũng biểu dương, cảm ơn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP mà đứng đầu là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã rất nỗ lực, trách nhiệm, kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp trong phòng chống dịch trên địa bàn, tạo niềm tin cho người dân, Đảng, Nhà nước và chính quyền TP.
Chưa lần nào, người dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri đợt này dành 2/3 thời lượng buổi tiếp xúc để nói về thành công của TP trong công tác phòng chống dịch Covi-19 và đề nghị biểu dương UBND TP, Chủ tịch UBND TP.
Đồng thời, HĐND TP cũng cảm ơn vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí, thời gian qua đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của TP nói chung và công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP, hoạt động của HĐND TP nói riêng.