Trong khi Chính phủ vẫn kiên trì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực thì những con số của 10 năm qua cho thấy, có gần 350.000ha đất lúa được chuyển cho các mục đích khác. Trong đó, nhiều diện tích đất lúa thuộc dạng "bờ xôi ruộng mật" chuyển sang phát triển đô thị, khu công nghiệp. Đề cập đến vấn đề này, ĐB Đinh Xuân Thảo bày tỏ: Năm 2020, dân số nước ta khoảng 100 triệu người, chúng ta phải đảm bảo lương thực cho chừng ấy con người, nhưng theo tính toán, đến 2020 sẽ có khoảng 300.000ha đất trồng lúa chuyển sang các mục đích khác. Sau 2020 và xa hơn, đất lúa sẽ tiếp tục bị giảm trong khi dân số vẫn tiếp tục gia tăng và hàng loạt các vấn đề khác như: tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng... ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, để giữ vững an ninh lương thực và đảm bảo lượng gạo xuất khẩu, phải sớm dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh thâm canh, nâng hệ số sử dụng đất lên cao hơn và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ.
Với tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp như hiện nay, nhiều địa phương có nhu cầu chuyển đổi đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác, tuy nhiên theo ĐB Bùi Thị An, việc chuyển đổi này nhiều khi chưa hợp lý. Bà An đề nghị, Bộ TN&MT cần có đánh giá tổng thể về việc sử dụng đất nông nghiệp, và thống kê xem bao nhiêu "bờ xôi ruộng mật" của dân bị lấy mất, hiệu quả đầu tư đến đâu.
Nhiều ĐB khác đề nghị, cần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nhưng Chính phủ cũng phải xây dựng chính sách hỗ trợ để đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa trong vùng quy hoạch, có vậy người dân mới không phá lúa để sử dụng đất vào mục đích khác.
Thiếu đất xây trường học, bệnh viện
Đánh giá về tiến độ đầu tư các khu công nghiệp trong 10 năm qua, nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư còn dàn trải, tỷ lệ lấp đầy đạt thấp, bình quân chỉ đạt 45,63%, có nơi rất thấp, trong khi đó đất cơ sở sản xuất kinh doanh vượt rất cao. Các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu đầu tư thiếu đồng bộ, tỷ lệ sử dụng đất chỉ đạt khoảng 15%. Việc sử dụng đất xây dựng sân bay, cảng biển, sân golf thời gian qua cũng đang là những vấn đề được dư luận quan tâm. Quỹ đất ở các đô thị cũng rơi vào tình trạng lãng phí. Nhiều khu đô thị còn để trống kéo dài, không có người ở, nhiều khu có mật độ xây dựng dày, không đủ điều kiện phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trong khi đó, đất dành cho các cơ sở giáo dục, y tế và công trình công cộng lại ngày càng hao hụt. Trong khi nhiều dự án được bố trí đất dễ dàng theo kiểu "cứ xin là có" thì việc xây dựng nhà trẻ, hay trụ sở cơ quan cả chục năm vẫn không thể bố trí được do không có đất.
Theo ĐB Chu Sơn Hà, việc quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không sát với thực tế, đầu tư dàn trải khiến nhiều dự án triển khai không hiệu quả. Đơn cử, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) là dự án lớn mà bố trí được 40 tỷ đồng mỗi năm thì không thể thực hiện được. Hay khu ĐHQG Hà Nội (cũng ở Sơn Tây) theo dự toán 7.000 tỷ đồng nhưng nay trượt giá lên hơn 20.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng đến hai lần, gây thiệt hại và lãng phí lớn.
Từ những bất cập trên, các ĐBQH Hà Nội, Thái Bình, Bình Thuận, TP. HCM đề xuất, cần đánh giá lại tính khả thi trong kỳ quy hoạch đất 2001 - 2010 để rút kinh nghiệm và định hướng cho quy hoạch đất kỳ này; Hoàn thiện chủ trương chính sách liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng gắn quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội; Không bố trí quy hoạch mới cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, du lịch khi mà diện tích lấp đầy chưa quá 60%, đặc biệt ưu tiên đất để xây trường học, bệnh viện và các công trình phục vụ văn hóa thể thao du lịch hợp lý.
Những dự án bỏ hoang Trách nhiệm cá nhân không rõ ràng Để làm rõ thêm những bất cập về quy hoạch, quản lý đất đai, bên lề Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền chia sẻ với báo chí. Theo ông Quyền, Luật Đất đai ra đời năm 2003, tuy nhiên một số tiêu chí còn chung chung nên quá trình lập quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương vẫn dừng lại ở quy định chung nên rất dễ tạo kẽ hở. Điều bất cập nhất chính là tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các ngành, các cấp. Đứng trên tổng thể thì chúng ta nói là đã thực hiện đúng chính sách, nhưng ở từng địa phương, từng ngành thì đều bị phá vỡ, rất nhiều dự án triển khai không hiệu quả do thực hiện quy hoạch. Cũng theo ông Quyền, địa phương nào, nhóm nào cũng đều nghĩ đến lợi ích, đó là chính đáng, nhưng lợi ích đó phải đặt trong tổng thể lợi ích quốc gia, mà đa số lại không làm được việc đó. Cái này đòi hỏi vai trò của các bộ, ngành quản lý nhà nước. Vai trò của các bộ, ngành trong điều tiết vĩ mô rất quan trọng. Họ phải có tầm nhìn, xem nơi đó làm cảng, làm sân bay có hiệu quả hay không, đầu tư kinh phí có thích đáng hay không. Việc lập khu công nghiệp, kinh tế, cảng biển, sân golf… đều rất cần thiết. Nhưng làm như thế nào để có hiệu quả thì rõ ràng quản lý của chúng ta quá kém. Trách nhiệm đầu tiên là của các địa phương, nhưng trách nhiệm lớn hơn nữa vẫn là trách nhiệm của các bộ, ngành quản lý. Cần phải quy rõ trách nhiệm cho các cấp, cho cá nhân cụ thể, sai đến đâu xử lý đến đấy. Về tình trạng này, Quốc hội đã nhận trách nhiệm trong các khoá X, XI, XII. Cụ thể, đó là trách nhiệm giám sát còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Vấn đề này, chúng ta đang dần khắc phục và hy vọng, với bộ máy Chính phủ mới, các bộ ngành mới, cùng với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì chế độ công vụ, chế độ trách nhiệm nhà nước sẽ được xác định rõ hơn. Nhật Nguyên ghi |