Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Quyết sách cho sự phát triển

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV hôm nay chính thức khai mạc và được họp tập trung, đánh dấu việc trở lại trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch.

Các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 3 đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3. Ảnh: Linh Chi  
Các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 3 đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3. Ảnh: Linh Chi  

Kỳ họp này có một vị trí đặc biệt quan trọng, ngoài các nội dung về công tác xây dựng pháp luật, còn xem xét, quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án quan trọng trong phát triển TP. Đồng thời, điều người dân, cử tri trông đợi ở nghị trường là những giải pháp được bàn thảo, quyết định để tiếp tục có bước đi vững chắc trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội khi những ảnh hưởng của dịch chưa hết, những bức thiết từ cuộc sống đang đòi hỏi.

Từ thực tế cuộc sống qua phản ánh của cử tri tới nghị trường cho thấy, cùng với thành quả đạt được sau khi kiểm soát tốt dịch Covid -19, chuyển thành công sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống an sinh, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra.

Để thực hiện tốt việc phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội cần thực thi tốt nhiều giải pháp trong cả ngắn hạn và dài hạn. Trên cơ sở đó, việc sử dụng hợp lý, nhanh chóng, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã được ban hành, tận dụng các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực vẫn đang được đặt ra.

Đồng thời với đó, không ít vấn đề xã hội vẫn tiếp tục cần sự quan tâm đặc biệt từ nghị trường như nghiên cứu có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người lao động, các đối tượng gặp khó khăn, hộ nghèo; có biện pháp tăng cường sự nghiệp giáo dục đào tạo, đặc biệt là đối với thế hệ học sinh sau thời gian dài phải học trực tuyến... Cùng với đó, để có thêm giải pháp thực sự đột phá cho sự phát triển trước mắt và xa hơn của nền kinh tế, giải quyết được cả các vấn đề xã hội đang đặt ra cũng đòi hỏi cái nhìn thấu đáo, sự vào cuộc tích cực, bản lĩnh hơn của mỗi đại biểu trên nghị trường.

Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Bởi thế, cử tri cũng gửi gắm mong muốn qua giám sát, sự nhìn thẳng vào thực tiễn, rõ địa chỉ, trách nhiệm, sẽ tăng cường hơn công tác quản lý, thực hiện quy hoạch. Điển hình như nghiêm túc thực hiện quy định phê duyệt quy hoạch khi đầu tư xây dựng khu đô thị mới phải bố trí quỹ đất phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân...

Đặc biệt, đây cũng là một trong số ít những kỳ họp đồng thời xem xét, quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án lớn, được dư luận rất quan tâm. Trong đó ngoài các dự án đường bộ cao tốc, có Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Đây là 2 dự án rất quan trọng và nằm trong tổng thể xem xét các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội xem xét, quyết định.

Việc chuẩn bị cho hai dự án này đã được yêu cầu kỹ lưỡng về nhiều khía cạnh, từ tính toán vốn, khung chính sách đặc thù, giải pháp nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng… Chính phủ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội và cam kết trước Quốc hội về tiến độ, chất lượng của các dự án.

Còn các cử tri cũng hy vọng, đứng trước những vấn đề rất lớn ấy, mỗi đại biểu thấy rõ vai trò quan trọng của mình. Trên cơ sở đánh giá khách quan, phân tích kỹ lưỡng, toàn diện về nhiều khía cạnh, để cùng góp thêm giải pháp có căn cứ, cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn nhất cho việc thực thi. Để từ nghị trường ra thực tiễn những quyết sách đảm bảo tính hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần