Kỳ họp thứ Tư, HĐND TP: Đại biểu đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết

Linh Nguyễn - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều nay, 8/4, tại Kỳ họp thứ Tư, HĐND TP Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cho biết, 56 lượt đại biểu (ĐB) phát biểu tại 5 tổ, đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, chất lượng, thể hiện tâm huyết, trí tuệ của ĐB HĐND.

Làm rõ khả năng cân đối của ngân sách các cấp

Theo tổng hợp thảo luận tổ được Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP trình bày tại Kỳ họp, trong nhóm vấn đề "Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 -2025 và các năm tiếp theo; bổ sung Kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2021-2025 và phân bổ vốn thuộc kế hoạch đầu tư công cấp TP năm 2022", hầu hết ĐB đánh giá UBND TP đã chủ động, tích cực rà soát nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và tu bổ, tôn tạo di tích cũng như xây dựng các nguyên tắc về cân đối nguồn vốn ngân sách các cấp. Đồng thời, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ của ngân sách cấp TP cho ngân sách cấp huyện nhằm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục đã nêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025 của TP. 

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà báo cáo tổng hợp thảo luận tổ tại Kỳ họp
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà báo cáo tổng hợp thảo luận tổ tại Kỳ họp

Tuy nhiên, ĐB cho rằng, UBND TP cần làm rõ khả năng cân đối của ngân sách các cấp để đáp ứng nhu cầu vốn của Kế hoạch, làm rõ tính khả thi từ nguồn ngân sách cấp huyện để bố trí cho các dự án thuộc 3 lĩnh vực này là rất lớn, đặc biệt chú ý đến khả năng tăng thu của ngân sách các huyện xa trung tâm, còn khó khăn khi phải bố trí vốn tự cân đối từ ngân sách cấp huyện. Có ý kiến nêu, đối với các huyện khó khăn, đề nghị ngân sách TP ưu tiên hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư để hỗ trợ dự án; huyện có nhiều dự án di tích cần xem xét mức hỗ trợ cho phù hợp để đảm bảo cấn đối và giải pháp khả thi. Đồng thời, đề nghị UBND TP rà soát, có báo cáo cụ thể về khả năng thực hiện, thứ tự ưu tiên đầu tư cho 3 lĩnh vực này trong giai đoạn 2021-2025; làm rõ khả năng hấp thụ vốn, lộ trình thực hiện trong những năm tiếp theo là đến thời gian cụ thể nào, đặc biệt tránh nợ XDCB; làm rõ hơn các giải pháp trọng tâm và nhiệm vụ cụ thể của TP và cấp huyện để thực hiện Kế hoạch này do các giải pháp nêu tại Tờ trình còn chung chung.

Riêng trong lĩnh vực y tế, ĐB cho rằng, cần đầu tư đồng bộ các cơ sở y tế song song là trang thiết bị, bác sỹ… nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hiệu quả sau đầu tư. UBND TP nên làm rõ lộ trình cụ thể tập trung, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực y tế, nêu rõ quan điểm ưu tiên phân bổ vốn đầu tư cho các công trình trường học, y tế của các địa bàn phấn đấu hoàn thành nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và các huyện đang xây dựng đề án lên quận.

Trong lĩnh vực di tích, theo ý kiến các ĐB, khối lượng đầu tư lớn, thủ tục phức tạp, đề nghị UBND chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh cải cách TTHC, thủ tục đầu tư đặc biệt với các dự án di tích; hỗ trợ đồng bộ về trang thiết bị và bố trí bổ sung biên chế để đảm bảo đạt chuẩn và đồng bộ. Đồng thời, UBND TP rà soát kỹ lưỡng việc đầu tư cải tạo, tu bổ di tích, xếp hạng di tích trên tinh thần phát huy giá trị di tích gắn với tiềm năng du lịch, tránh đầu tư dàn trải, phát sinh khiếu kiện.

Quang cảnh Kỳ họp thứ tư HĐND TP Hà Nội khóa XVI
Quang cảnh Kỳ họp thứ tư HĐND TP Hà Nội khóa XVI

Tăng cải cách hành chính trong thực hiện đầu tư công

Liên quan nhóm vấn đề chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND TP, các ĐB HĐND TP cơ bản thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, nhưng cho rằng thời gian qua còn nhiều tồn tại. Đó là, UBND TP gửi một số hồ sơ chưa đảm bảo thời gian và chất lượng theo quy định của Luật; một số cơ quan thẩm định hồ sơ còn sơ sài, chưa đầy đủ nội dung để đảm bảo đủ cung cấp thông tin cho ĐB, các Ban HĐND TP để thẩm tra.

Từ đó, đề nghị UBND TP xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án theo đúng phân cấp, thẩm quyền và chỉ trình HĐND TP thông qua với các dự án đủ điều kiện, đúng quy trình; nâng cao công tác cải cách hành chính trong thực hiện dự án đầu tư công và trách nhiệm cơ quan thẩm định đối với dự án đầu tư công, trong đó nâng cao chất lượng hồ sơ. Một số ĐB còn đề nghị UBND TP tập trung thẩm định đúng, đủ điều kiện trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư của một số dự án giao thông tại một số huyện khó khăn, liên kết giữa các địa phương, nhất là dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1A qua địa phận huyện Phú Xuyên, cải tạo quốc lộ 21 trên địa bàn Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây.

Làm rõ tính hiệu lực của kết luận thanh tra dự án chậm

Với nội dung biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách (NNS) có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP, hầu hết các ĐB thống nhất với các giải pháp UBND TP đề xuất nhằm nâng cao quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai nói chung và cải cách hành chính trong lĩnh vực này.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận tại tổ
Các đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận tại tổ

Mặc dù vậy, ĐB đề nghị UBND TP rà soát tên Nghị quyết theo hướng tập trung vào các dự án chậm triển khai, chưa triển khai dự án trên địa bàn TP; đánh giá rõ hơn kết quả thực tế trong công tác thanh tra, vi phạm các dự án vi phạm cũng như số dự án đã khắc phục, số dự án có chưa có chuyển biến, số dự án vướng mắc trong các quy định, cần thời gian rà soát tháo gỡ…; làm rõ tính hiệu lực, hiệu quả của thực hiện kết luận thanh tra.

Đồng thời, đề nghị đánh giá và làm rõ việc lập thẩm định, phê duyệt một số đề án quy hoạch trên địa bàn TP còn chậm, trong đó có một số quy hoạch phân khu, quy hoạch các huyện là cản lực trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH các địa phương, dẫn đến chậm tiến độ triển khai dự án.

Đáng chú ý, nhiều ĐB cho rằng, hầu hết số dự án rà soát là chưa đầy đủ, đề nghị UBND TP tiếp tục rà soát cụ thể trong thời gian tới; một số dự án dở dang, chủ đầu tư không muốn triển khai thì cần có biện pháp thu hồi ngay để tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư. Cùng đó, cần có giải pháp mạnh, kiên quyết, cụ thể để cảnh báo cho nhà đầu tư cũng như các biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trên cơ sở xử lý nghiêm các dự án thu hồi, xử lý các dự án đã tồn tại nhiều năm không triển khai, để hoang hóa; chuẩn bị nguồn lực khi phải hoàn trả tiền khi thu hồi dự án; tăng cường rà soát việc thực hiện phân cấp, phân quyền cao hơn cho địa phương để theo dõi, giám sát việc triển khai đầu tư dự án.

Song song đó, ĐB đề xuất TP rà soát ngay các kết luận thanh tra, kiểm tra của T.Ư và địa phương, các kết luận thanh tra chuyên ngành để thiết lập hồ sơ, làm căn cứ xác định xử lý dự án; công khai các dự án vi phạm, sai phạm bị thu hồi và trên các phương tiện thông tin đại chúng để ĐB, cử tri và Nhân dân cùng theo dõi giám sát. Trên cơ sở các quy định T.Ư, cần có biện pháp thiết lập hồ sơ từng dự án đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, tránh phát sinh khiếu kiện. Đặc biệt, đề nghị UBND TP sớm thành lập Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện hiệu quả nội dung này; nghiên cứu thành lập tổ tư vấn pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn kịp thời cho chủ đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần