Ký kết 7 văn kiện hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc ký kết các văn kiện diễn ra dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen sau hội đàm chính thức.

Ngày 21/12, Campuchia và Việt Nam đã ký 7 văn kiện thỏa thuận quan trọng nhằm thúc đẩy và mở rộng hợp tác giữa cả hai quốc gia trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Campuchia. 

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Campuchia Hun Sen. (Ảnh: TTXVN)

Việc ký kết các văn kiện diễn ra dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen tại Cung Hòa bình sau khi cả hai nhà lãnh đạo có hội đàm chính thức.

Bảy văn kiện bao gồm: (i) Chương trình hợp tác năm 2022 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Campuchia; (ii) Kế hoạch hợp tác quốc phòng năm 2022 giữa hai Bộ Quốc phòng; (iii) Biên bản Thỏa thuận Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Campuchia về Hợp tác Kinh tế, Văn hoá, Khoa học và Kỹ thuật; (iv) Biên bản cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp về biên giới Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam; (v) Bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục giai đoạn 2021-2025; (vi) Bản ghi nhớ về việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia; (vii) Chương trình công tác năm 2022-2023 giữa hai Bộ Tư pháp. Nhân dịp này, các doanh nghiệp hai nước cũng đã ký kết một số hợp đồng và thỏa thuận hợp tác kinh doanh.

Trong tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ ASEAN.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải ưu tiên tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ song phương theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Đồng thời, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào các công việc nội bộ của nhau và giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình.

Trong đó có việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, tăng cường xây dựng lòng tin, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; ủng hộ các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

  Lễ ký các văn kiện hợp tác trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Khmertimes

Phát triển thương mại biên giới

Theo tuyên bố chung, hai bên nhất trí đẩy mạnh triển khai Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư và Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần; tạo điều kiện phát triển thương mại biên giới thông qua đẩy nhanh ký kết Hiệp định Thương mại biên giới, đồng thời đẩy nhanh nhanh việc hoàn tất Quy hoạch tổng thể về Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia đến năm 2030 vào cuối năm 2022. Hai nhà lãnh đạo khen ngợi những nỗ lực của Ủy ban liên hợp Phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên đất liền giữa hai nước; Đồng thời thúc đẩy Ủy ban liên hợp Biên giới Việt Nam – Campuchia, Campuchia - Việt Nam tìm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được để giải quyết khoảng 16% đường biên giới trên đất liền chưa hoàn thành phân giới cắm mốc. Hai bên chia sẻ quan điểm và nhất trí tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong các khuôn khổ đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu và khu vực, cũng như trong các khuôn khổ tiểu vùng, trong đó có các cơ chế hợp tác Me Kong để bảo đảm quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác của phía Campuchia dành cho Việt Nam trong quá trình đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, khẳng định Việt Nam sẽ ủng hộ Campuchia ở mức cao nhất trong quá trình đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022 với chủ đề “ASEAN: cùng nhau giải quyết các thách thức”.

Bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19, song hai bên đã nỗ lực duy trì tiếp xúc và trao đổi cấp cao; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương.
Trong 11 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt hơn 8,6 tỷ USD, tăng gần 84% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam có thêm 4 dự án mới tại Campuchia với vốn đăng ký gần 90 triệu USD, gấp 4,6 lần cùng kỳ năm trước và đưa tổng số dự án đầu tư của Việt Nam còn hiệu lực tại Campuchia lên 188 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 2,85 tỷ USD, giúp Việt Nam trở thành nước ASEAN có đầu tư lớn nhất tại Campuchia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần