Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ký kết EVFTA và EVIPA: Kỳ vọng vào sự bứt phá sau 9 năm chờ đợi

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) được kỳ vọng không chỉ nâng tầm quan hệ kinh tế, chính trị giữa Việt Nam và EU mà còn là động lực để Việt Nam thực hiện các cải cách sâu rộng, tạo lòng tin mạnh hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ảnh: VGP.
“Hai cao tốc hiện đại”
Chiều 30/6, lễ ký kết EVFTA và EVIPA đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng đại diện các bộ ngành, đại sứ quán và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) 9 năm sau khi hai bên đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc chính thức ký hai hiệp định này đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn. “Sự liên kết, tổng hòa các Hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier

Rào cản cuối cùng chính là cuộc bỏ phiếu quyết định của Nghị viện châu Âu. Việc quan trọng nhất bây giờ là tăng cường nỗ lực nêu bật những lợi ích của hiệp định này để đảm bảo rằng hiệp định sẽ được phê chuẩn và thực thi sớm nhất có thể.

Lợi ích kinh tế mà EVFTA mang lại là không thể bàn cãi: Hiệp định sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư, loại bỏ thuế quan và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cả hai phía. EVFTA còn nâng cao các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền lợi người lao động và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Nghị viện châu Âu, Nghị viện các nước thành viên EU và Quốc hội Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn các hai hiệp định thương mại thế hệ mới này, để khi có hiệu lực, hai hiệp định quan trọng này sẽ như “hai tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau”. Doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân mà cả thị các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lớn khác ở khu vực Đông Á.
Bày tỏ lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế mà EVFTA mở ra giữa hai bên, bà Cecilia Malmström, Cao uỷ thương mại của Liên minh châu Âu nhấn mạnh EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do “tham vọng nhất từ trước tới nay” mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, theo đó 99% dòng thuế hàng Việt Nam sang EU sẽ được xoá bỏ và 1% còn lại sẽ được gỡ bỏ thông qua hạn ngạch thuế quan. Điều này sẽ xoá bỏ tệ quan liêu mà doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối diện. Người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận được hàng hoá từ châu Âu và ngược lại.
Người phụ trách các vấn đề thương mại của EU cũng hoan nghênh Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm, nhờ đó các doanh nghiệp châu Âu có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm thiết bị của Việt Nam với giá cạnh tranh. Bà kỳ vọng đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt bậc nhờ các hiệp định này do quyền lợi của nhà đầu tư được bảo vệ tốt hơn và các khoản đầu tư tuân thủ các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường và người lao động. “Việc phê chuẩn hai hiệp định càng sớm, lợi ích cho người tiêu dùng và nhà đầu tư càng sớm” - bà Malmström nhấn mạnh.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, EVIPA với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư EU về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, và ngược lại.
Thủ tướng phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: VGP.
Thách thức không nhỏ chờ đợi
Bên cạnh tâm trạng lạc quan về những cơ hội rộng mở sau lễ ký kết, đại diện của cả Chính phủ Việt Nam và EU đều ý thức rõ được những thách thức to lớn trước mắt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc ký hai hiệp định EVFTA và EVIPA là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai hợp tác thành công. Theo đó, Việt Nam sẽ ban hành “Chương trình hành động quốc gia” thực hiện hai hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc

Việc EVFTA EVIPA có ý nghĩa to lớn với cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Những hiệp định này sẽ cộng hưởng, tạo nên sự phát triển mang tính đột phá, góp phần hoàn thiện khung khổ luật pháp, môi trường kinh doanh và mang đến những bước nhảy vọt trong quan hệ hợp tác Việt Nam - EU, xây dựng nền tảng để hướng tới phát triển bền vững.

Về vấn đề này, tại buổi họp báo sau lễ ký, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý việc ký kết hai hiệp định chỉ là sự khởi đầu cho một chặng đường mới, bởi để được phê chuẩn hai hiệp định đó cần đến nhiều nỗ lực của cả từ phía Việt Nam và các cơ quan của EU cũng như nghị viện 28 nước thành viên.
Ngoài ra, chương trình hành động sắp tới của Chính phủ sẽ phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận thuận lợi các nội dung của hai hiệp định, khi theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ không nắm rõ thông tin của hai hiệp định này. Đồng thời, để hòa vào sân chơi ở cấp cao hơn, các doanh nghiệp cần tổ chức lại chiến lược thị trường để đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật của EU, đồng thời chuẩn bị tốt để ứng phó với các tranh chấp đầu tư và thương mại thông qua hệ thống tòa án.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để hiện thực hoá EVIPA, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn 

Việc các thành viên EU sớm thông qua quyết định ký EVFTA và EVIPA khẳng định EU đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam, hết sức coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện song phương, đồng thời là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan hai bên. Đây là cơ sở để hai bên tiếp tục hoàn tất tiến trình phê chuẩn để các Hiệp định sớm có hiệu lực trong thời gian tới.

Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet

Để tận dụng các hiệp định này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu sang EU. Tôi kỳ vọng hai hiệp định sẽ sớm được thông qua, nhưng cần cả hai bên nỗ lực hơn nữa về chính trị.

Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam: Kỳ vọng gia tăng trung bình 0,1% GDP của Việt Nam

Hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được ký kết tại Hà Nội tạo cơ hội tiếp cận sâu giữa Việt Nam với thị trường gồm 28 nước thành viên của EU. Là một ngân hàng mang sứ mệnh tài trợ thương mại quốc tế, HSBC rất hoan nghênh và chào đón Hiệp định này, một hiệp định mà chính Cao ủy châu Âu coi là tham vọng nhất mà EU từng ký với một quốc gia, phản ánh vị thế của Việt Nam khi là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khối ASEAN sau Singapore. Thương mại song phương giữa hai thị trường đã tăng hơn 20 lần trong hơn hai thập kỷ vừa qua với giá trị thương mại mỗi năm đạt gần 50 tỷ Euro, đưa châu Âu thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.

Các vòng đàm phán của EVFTA bắt đầu từ giữa năm 2012, tức là Chính phủ hai bên và cộng động DN đã có thời gian tương đối dài để chuẩn bị cho hiệp định này trước khi đi vào thực hiện. Chúng tôi kỳ vọng Hiệp định sẽ gia tăng trung bình 0,1% GDP thực sự của Việt Nam mỗi năm chỉ nhờ vào các tác động thương mại thuần túy. Một khi đi vào thực hiện hoàn toàn, những tiêu chuẩn cao của EVFTA sẽ thúc đẩy tốc độ cải cách và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cao ủy châu Âu ước tính xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu sẽ tăng trưởng vào khoảng 18%, theo tính toán sẽ mở rộng thặng dư thương mại của Việt Nam với châu Âu. Đầu tư trực tiếp từ châu Âu tới Việt Nam, dưới tác động của Hiệp định, cũng sẽ gia tăng tăng trưởng của Việt Nam, trên cơ sở đầu tư trung bình của Liên minh châu Âu vào Việt Nam đạt trung bình gần 800 triệu USD trong khoảng từ 2010 tới 2017.

Bên cạnh các lợi ích kinh tế mà Hiệp định EVFTA mang lại, tôi rất hoan nghênh những yếu tố phát triển bền vững mà Hiệp định bao hàm như cam kết thực hiện Hiệp định về biến đổi khí hậu Paris, cam kết tôn trọng và thực hiện những quy tắc của tổ chức lao động quốc tế ILO liên quan tới quyền cơ bản của người lao động. EVFTA vẫn là một Hiệp định mà Việt Nam đã mong chờ mà tôi tin Việt Nam sẽ tận dụng những lợi ích và khắc phục những thách thức để thúc đẩy đất nước trên con đường phát triển bền vững.

Để tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định mang lại, ngoài việc nâng cao chất lượng nội tại của DN Việt, những quy định hướng dẫn và hoạt động của Chính phủ giúp cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho DN về hiệp định này là hết sức cần thiết, như quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hướng dẫn về cam kết của Việt Nam đối với EVFTA, những gì DN cần làm, cụ thể cam kết về môi trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa…

Đinh Nguyễn (ghi)

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Cơ hội, thách thức đan xen

EVFTA sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành hàng trong đó có ngành bán lẻ. Bởi EVFTA yêu cầu mở cửa thị trường với gần như 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm trong vòng 7 năm. Việc cắt giảm thuế, quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật, rào cản kỹ thuật trong thương mại, logistics sẽ tạo cơ hội cho DN bán lẻ tiếp cận nguồn hàng nhập khẩu từ EU với giá rẻ, thời gian và chi phí vận chuyển ngắn và thấp hơn trước khi ký kết EVFTA.

Đặc biệt DN bán lẻ Việt Nam có thêm cơ hội hợp tác, liên doanh với DN EU từ đó học hỏi kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực để từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn DN bán lẻ Việt Nam sẽ có cơ hội cung cấp hàng hóa cho nhà bán lẻ EU tại Việt Nam hoặc cung ứng cho hệ thống phân phối ở nước ngoài của DN EU.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, DN bán lẻ Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức khi DN EU được miễn kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi mở điểm bán lẻ thứ 2 có diện tích dưới 500m2 trong khu vực quy hoạch cho hoạt động kinh doanh và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng. Như vậy, cam kết của EVFTA sẽ tạo điều kiện cho nhà phân phối EU mở rộng mạng lưới tại Việt Nam, gia tăng thách thức cạnh tranh với DN bán lẻ.

Để hạn chế đến mức tối đa mất thị phần bán lẻ vào tay DN EU đòi hỏi DN tăng cường xây dựng mối liên kết, hỗ trợ cùng nhau phát triển. Đồng thời hợp tác với các nhà sản xuất qua đó tạo nguồn hàng đa dạng, chất lượng với giá cả cạnh tranh để cung ứng cho các cơ sở phân phối. DN bán lẻ quy mô lớn nên liên kết các hộ kinh doanh bán lẻ để thiết lập chuỗi cửa hàng tiện ích, đây là mô hình mà Vin Mart đang thực hiện khá thành công.

Lê Nam (ghi)