Kỷ luật đầu tư công còn nhiều lo ngại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải bên lề kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngày 21/3, báo cáo trước Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm, cơ cấu chi ngân sách đã chặt chẽ hơn nhưng còn chưa hợp lý. 

10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch 5 năm

Theo đánh giá của Chính phủ và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kết quả kinh tế - xã hội trong 5 năm qua cho thấy, quy mô và tiềm lực của đất nước được nâng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát giảm từ 11,75% năm 2010 xuống còn 0,6% năm 2015. Các cân đối lớn dần được cải thiện, nhập siêu giai đoạn 2011 - 2015 chỉ còn khoảng 2% so với mức nhập siêu 17,4% giai đoạn 5 năm trước. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm, trong đó năm 2015 đạt 6,68%, vượt mục tiêu đề ra. GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải  bên lề kỳ họp.   Ảnh:  Nguyễn Khánh
Kinhtedothi - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải bên lề kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Khánh
Tuy nhiên, thừa nhận về các yếu kém của nền kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,9%/năm, thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt mục tiêu đề ra (6,5 - 7%). Việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật bền vững. Tổng thu ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4% giai đoạn 2011 - 2015; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách Nhà nước cao hơn mức Quốc hội cho phép, năm 2015 khoảng 6,1% GDP (mục tiêu là giảm xuống còn 4,5% GDP).

Theo Phó Thủ tướng, tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 62,2%, nợ Chính phủ/GDP là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 43,1%, từ các mức tương ứng của năm 2011 là 50%, 39,3% và 37,9%. Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro. Xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại và gặp nhiều khó khăn, nhập khẩu đang có xu hướng tăng và nhập siêu có nguy cơ tăng trở lại làm ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và gây khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ….

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được, trong đó có 10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. “Công tác tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công có chuyển biến tích cực, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Tuy nhiên, kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhiều công trình không phát huy hiệu quả, việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản còn chậm, ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn” - ông Giàu chỉ ra.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ xác định chỉ tiêu quan trọng là GDP tăng bình quân 6,5 - 7%/năm, đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD…

Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đánh giá, công tác tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã có bước chuyển biến, cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, nợ xấu ngân hàng giảm dần, đã sáp nhập một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hoạt động yếu kém. Nhưng hiện nay lại xuất hiện một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn gặp khó khăn phải thay đổi chủ sở hữu, người quản lý. Trong khi đó, nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa mang lại hiệu quả. “Nền kinh tế phục hồi, nhưng DN trong nước còn nhiều khó khăn thì việc giảm nợ xấu khó bền vững, lãi suất cho vay còn cao so với diễn biến lạm phát” - ông Giàu nhận định.

Bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận: Một trong những nguyên nhân của những hạn chế là cải cách hành chính một số mặt chưa đạt yêu cầu. Cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh, chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Thực hiện tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, DN… Đề cập đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi; tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Kê khai tài sản còn hình thức. Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả còn thấp. Ý thức tiết kiệm chưa được đề cao; lãng phí thời gian, nguồn lực xã hội còn lớn. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao, một số trường hợp còn kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Từ những thành tựu đạt được và những tồn tại, thách thức trong 5 năm qua, Chính phủ rút ra 7 bài học kinh nghiệm cần tiếp thu để phát triển mạnh hơn, thực hiện tốt hơn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Trong đó, có việc phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất; thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần