Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ luật khai trừ Đảng ông Chu Hảo - Nhìn vấn đề dưới góc độ công tác kiểm tra, kỷ luật đảng

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Chia sẻ Zalo

Kỳ họp thứ 31, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Hảo. Để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ bản chất của vấn đề, cần lý giải rõ, vì sao vi phạm của ông Chu Hảo lại bị kỷ luật ở mức khai trừ ra khỏi Đảng? Vì sao ông Chu Hảo đã tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng vẫn bị thi hành kỷ luật Đảng?

Ông Chu Hảo
Vi phạm rất nghiêm trọng, có tính chất hệ thống
Những nội dung vi phạm của ông Chu Hảo với tính chất rất nghiêm trọng đến mức phải xử lý kỷ luật đã được thông báo rộng rãi tại Kết luận của Kỳ họp thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và được triển khai đến Chi bộ Nhà xuất bản Tri thức và ông Chu Hảo. Song ông Chu Hảo đã vắng mặt.
Quá trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Chu Hảo được thực hiện đúng theo nguyên tắc, quy định của Đảng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Chu Hảo bình thường như đối với mọi đảng viên khác có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật. Cụ thể: Tổ chức các cuộc họp tại Chi bộ Nhà Xuất bản Tri thức, Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam để lấy ý kiến đảng viên trong các tổ chức đảng trên; các đảng viên trong các tổ chức đảng cũng được thảo luận và biểu quyết đề nghị (bằng phiếu kín) về hình thức kỷ luật đối với ông Chu Hảo.
Trên cơ sở đề nghị của các tổ chức đảng ở Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và xem xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm cùng với các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mức kỷ luật; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định hình thức kỷ luật đối với ông Chu Hảo thông qua bỏ phiếu kín.
Đây là một quy trình chặt chẽ, khách quan và nghiêm túc đã được quy định cụ thể trong Đảng, trong đó có mời ông Chu Hảo và đại diện đảng đoàn, đại diện Đảng uỷ quản lý đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để trực tiếp nghe bày ý kiến trước khi Ủy ban thảo luận, xem xét, quyết định hình thức kỷ luật.
Quy trình xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng đã thể hiện sự dân chủ trong Đảng. Trên thực tế xem xét xử lý kỷ luật đảng theo thẩm quyền của UBKT Trung ương và UBKT các cấp, phần lớn đảng viên đều nghiêm túc chấp hành theo quy định. Qua việc trình bày của ông Chu Hảo và đại diện tổ chức đảng quản lý đảng viên; tập thể Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ lắng nghe kiểm điểm và nghe hết ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của ông Chu Hảo và của đại diện các tổ chức đảng một cách khách quan, nhưng ông không đến.
Đây là trường hợp ít xảy ra trong xem xét xử lý kỷ luật đảng viên từ trước đến nay. Như vậy, ông Chu Hảo đã tự đánh mất quyền “tự bào chữa” cho chính mình mà Đảng trao cho, nhưng ông lại cho rằng Đảng mất dân chủ.
Các vi phạm của ông Chu Hảo đã được thảo luận, xem xét, kết luận và đối chiếu với Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, thuộc Khoản 3, Điều 7 (Vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ) kỷ luật ở mức khai trừ với nhiều hành vi vi phạm rất nghiêm trọng như đã công bố.
Khi xét các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ theo Điều 4 của Quy định 102-QĐ/TW, ông có hai tình tiết tăng nặng là đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở, kiểm điểm nhiều lần và vi phạm có tính hệ thống.
Như vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Hảo là đúng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm và đúng theo quy định của Đảng trên cơ sở “chứng cứ đến đâu, kết luận đến đấy, không suy diễn”. Điều này cũng bác bỏ luận điệu xuyên tạc cho rằng “đây là bản cáo trạng vô căn cứ và thâm độc” mà ông tuyên bố khi từ bỏ Đảng.
Vì vậy, có thể biết được lý do tại sao, sau khi nghe Thông báo kết luận Kỳ họp thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam. Là đảng viên trí thức, ông Chu Hảo thừa hiểu, có tuyên bố hay không tuyên bố, tổ chức đảng có thẩm quyền cũng đưa ông ra khỏi Đảng.
Ông Chu Hảo là đảng viên trí thức nhưng “vô tổ chức, vô kỷ luật”, đứng trước vi phạm mà tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận đối với mình, ông “lẩn tránh” không dám đối mặt với sự thật, không đến kiểm điểm ở các tổ chức đảng mà còn có hành vi chống đối, thách thức. Ông tuyên bố từ bỏ Đảng vì cho rằng Đảng “không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hoá” nhưng qua các sự việc trên cho thấy sự thật quá rõ, chính ông đã mất tính chính danh, không nghiêm túc và ngày càng thoái hoá nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ ông ra khỏi Đảng là hoàn toàn xứng đáng. Sau kỷ luật về Đảng trong vòng 30 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, xử lý kỷ luật về chính quyền đối với chức danh nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định (Khoản 6, Điều 2, Quy định 102-QĐ/TW); nếu tiếp tục vi phạm cần xử lý nghiêm theo pháp luật.
Nghiêm túc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm
Việc ông Chu Hảo tuyên bố từ bỏ Đảng nhưng tổ chức đảng vẫn tiến hành kiểm điểm và xử lý kỷ luật đối với ông là thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng (Điều 39) và Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
“Đảng viên vi phạm kỷ luật phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật. Trường hợp cần thiết, cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét kỷ luật”.
Quy định 30 cũng nêu rõ: “Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xoá tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng. Cấp uỷ viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không để thôi giữ chức.”
Như vậy, mặc dù ông Chu Hảo đã tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng thực tế từ khi có những vi phạm đến trước khi bị kỷ luật khai trừ, ông vẫn là đảng viên. Việc ông Chu Hảo tuyên bố từ bỏ Đảng, không đến kiểm điểm trước Chi bộ thuộc trường hợp từ chối kiểm điểm, nên cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp, cụ thể là Ủy ban Kiểm tra Trung ương vẫn xem xét, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.
Ông Chu Hảo là đảng viên trí thức không phải là đại diện cho cả tầng lớp trí thức. Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật ông Chu Hảo là công việc của Đảng cũng như kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm khác, không phải là “tuyên chiến” với tầng lớp trí thức như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây cũng là bài học chung cho cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái và bài học đắt giá cho tổ chức đảng trực tiếp quản lý đảng viên, đã để cho những người cơ hội chính trị mượn tính chính danh, tư cách “hợp pháp” để làm những việc sai trái quá lâu trong tổ chức đảng mà không có biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm.
Đảng là một tổ chức có kỷ luật chặt chẽ, nghiêm túc và tự giác; ông Chu Hảo khi còn là đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng thì phải bị xử lý kỷ luật là điều bình thường; kỷ luật đảng công bằng đối với mọi đảng viên. Việc ông Chu Hảo bị khai trừ ra khỏi Đảng và một số đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị hùa theo, tuyên bố bỏ Đảng không phải là thất bại của Đảng, không làm cho Đảng yếu đi mà trái lại sẽ làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò lãnh đạo của một Đảng cách mạng tiền phong.
Phạm Đức Tiến - Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, UBKT Trung ương