Kỷ lục xã hội hóa đầu tư vốn vào hạ tầng giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), chỉ trong 4 năm với phương thức xã hội hóa đầu tư vốn vào hạ tầng giao thông, ngành này đã huy động được khoảng 180.000 tỷ đồng phục vụ cho nhiệm vụ phát triển và hiện đại hóa mạng lưới giao thông trên toàn quốc.

Khó khăn của bài toán thiếu vốn

Theo Quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông bình quân khoảng 200 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong khi nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% thì việc huy động nguồn vốn xã hội hoá để đầu tư là yêu cầu sống còn...

Cụ thể, năm 2011, theo kế hoạch giải ngân toàn ngành GTVT phải đạt từ 20.000 – 25.000 tỷ đồng. Tại thời điểm này, Ngân sách Nhà nước (NSNN) chỉ được bố trí được 11.000 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, bằng khoảng 50% so với nhu cầu.

 
Cầu Cổ Chiên đầu tư theo hình thức BOT khánh thành tạo bước đột phá về kinh tế - xã hộicho hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh (Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu khánh thành cầu Cổ Chiên)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu khánh thành cầu Cổ Chiên. Cầu Cổ Chiên đã từng nhiều lần khởi động lại do không bố trí được vốn, vừa được khánh thành nhờ đầu tư theo hình thức BOT. 
Đó là chưa kể, trước năm 2011, hàng loạt dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ do suy giảm kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước khó khăn khiến Quốc hội, Chính phủ phải thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, nợ đọng xây dựng cơ bản liên miên bởi thiếu vốn.

Chính vì thế mà toàn ngành GTVT đã phải giãn, hoãn tiến độ tại 75 dự án, tiểu dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 64.500 tỷ đồng. Nhiều đơn vị doanh nghiệp, nhà thầu thiếu việc làm, thiếu vốn không thanh toán được, nợ đọng dẫn đến khó khăn về tài chính. Nhiều dự án vốn đầu tư càng lớn, lỗ càng cao. 

Không ít cuộc họp của các bộ, ngành liên quan đề xuất kêu gọi đầu tư BOT, tuy nhiên phương án đó vẫn rơi vào bế tắc và hiệu quả mang lại không như mong đợi. Một trong những công trình chịu ảnh hưởng bởi hình thức đầu tư BOT đó là: Cầu Cổ Chiên vừa được khánh thành, với thời gian giãn tiến độ khá dài và nhiều lần phải khởi động lại.

“Làm gì để tạo đột phá, để huy động được vốn đầu tư hàng chục dự án, công trình trên khắp mọi miền đất nước đang nằm “đắp chiếu” chờ vốn” là những câu hỏi luôn đau đáu đối với đội ngũ lãnh đạo ngành GTVT khi ấy.

Những kết quả vượt bậc từ giải pháp xã hội hóa

Theo như kế hoạch, giai đoạn từ năm 2011 - 2014, các dự án phát triển hệ thống giao thông do Bộ GTVT trực tiếp quản lý được giao kế hoạch khoảng 129 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và TPCP, trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư thực tế đòi hỏi gấp nhiều lần.

Trong nhiều cuộc họp của Bộ GTVT đều đề cập đến bàn giải pháp kêu gọi vốn cho các dự án. Trong đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhiều lần khẳng định: “Để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hiện đại không thể trông chờ vào ngân sách, TPCP hay ODA mà phải huy động nguồn lực xã hội hoá bằng các hình thức, phương thức khác nhau. Đây là đòi hỏi bắt buộc xuất phát từ thực tiễn”. 

 
Cầu vượt ngã tư Hương Lộ 2 – Quốc Lộ 1A thông xe ngày 1/1/2015. 56.855 tỷ đồng đầu tư cho 23 dự án mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14.
Cầu vượt ngã tư Hương Lộ 2 – Quốc Lộ 1A thông xe ngày 1/1/2015.

Ngành GTVT đã huy động 56.855 tỷ đồng đầu tư  cho 23 dự án mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14. 
Với giải pháp hợp lý, và chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, trong đó có vai trò của Bộ trưởng, trong 4 năm ngành giao thông đã kêu gọi xã hội hóa từ các đối trong nước, nước ngoài tạo sự đột phá phát triển mạng lưới giao thông. Tính đến cuối năm 2014, Bộ GTVT đã thu hút được khoảng 180 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho 65 dự án, công trình giao thông.

Chỉ riêng, hai năm 2013 - 2014, ngành GTVT đã thu hút được 137 nghìn tỷ đồng để đầu tư 44 dự án hạ tầng giao thông, gấp hơn ba lần nguồn vốn ngoài ngân sách mà ngành đã huy động từ năm 2012 trở về trước. 

Chính nhờ xã hội hóa kêu gọi đầu tư vốn ngoài ngân sách mà hàng loạt dự án tạm dừng, giãn, hoãn do không bố trí được vốn ngân sách đã được chuyển đổi sang đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Điều này không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách mà còn thúc đẩy tiến độ các dự án, tạo hiệu quả trong đầu tư.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, với giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, ngành GTVT đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hàng loạt công trình giao thông được hình thành theo hướng hiện đại, đồng bộ đã được đưa vào khai thác. Nổi bật nhất năm 2015 đó là: Toàn bộ Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được hoàn thành, cùng với các công trình quản lý, điều hành giao thông trên tuyến hiện đại được đưa vào sử dụng đã hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.