Có bé chọn học thể thao để rèn luyện sức khỏe, nhưng cũng có những bé có thể tham gia các giải đấu của trường lớp trong tương lai.
Hoạt động thể thao mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, ngoài việc rèn luyện thể chất, thể thao còn giúp tăng hiệu quả học tập. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng chứng minh chơi thể thao giúp trẻ học tốt hơn.
Các em học sinh trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội chơi trò chơi tại khuôn viên sân trường. Ảnh: Công Hùng |
Nghiên cứu năm 2015 của trường College of Sports Medicine (Mỹ) cho thấy, 317 trẻ chơi thể thao đạt điểm thi cao hơn 30% nhóm tập luyện ít. Theo một khảo sát khác tại trường Los Angeles Unified School District, 35.000 học sinh chơi thể thao trung bình 21 ngày mỗi năm sẽ có điểm cuối kỳ cao hơn nhóm không tập luyện 0,55 - 0,74 GPA (thang điểm Mỹ).
Và quan trọng là cha mẹ cần biết là con mình thật sự thích môn thể thao nào. Nhiều bậc cha mẹ có xu hướng nghiêng về các môn thể thao được yêu thích trên thế giới như bóng rổ, tennis và bóng đá.
Thực tế, trẻ em ngày nay còn quan tâm đến rất nhiều các hoạt động khác, bao gồm các môn thể thao cá nhân như bơi lội, võ thuật, thể dục dụng cụ, cũng như các hoạt động thể chất khác như nhảy, yoga,… cũng có thể khiến trẻ em thích thú. Hãy cho phép trẻ tìm các hoạt động thể thao mà chúng thích bằng việc gợi ý hoặc cho trẻ tham quan học thử nhiều môn, từ đó sẽ giúp trẻ tìm ra môn thể thao mình thật sự thích và cảm thấy thoải mái khi chơi.
Ở độ tuổi còn đi học, với trẻ học cũng là chơi và chơi cũng là học nên cha mẹ cũng đừng lo lắng sợ trẻ ham chơi mà quên học. Khi trẻ đã chọn được môn thể thao thực sự thích, thậm chí có thể có những ngày trẻ không tập luyện, cha mẹ hãy nhắc nhở chúng tại sao chúng đăng ký học môn thể thao này và tại sao chúng lại có rất nhiều niềm vui khi chơi nó.
Tương tự như vậy, nếu trẻ luyện tập hoặc chơi chưa tốt, hãy nhắc chúng nhớ về những lần chúng chơi tốt để khích lệ tinh thần. Hãy giúp trẻ duy trì được thói quen chơi thể thao liên tục, nếu trẻ muốn thử thách với một môn thể thao khác, cha mẹ hãy tạo điều kiện để trẻ phát huy khả năng của mình.
Và vù trẻ chơi thể thao với mục đích rèn luyện sức khỏe hay để thi đấu, thì hãy luôn giúp trẻ không đặt nặng vấn đề thắng thua, mà hãy cho trẻ thấy được những bài học, trải nghiệm mà chúng có được sau mỗi giải đấu. Lấy tinh thần thể thao kết nối với việc học, khi trẻ gặp một bài toán khó, cha mẹ có thể lấy ví dụ là lúc chơi thể thao trẻ đã chơi giỏi như nào để khích lệ tinh thần học tập.