[Kỹ năng sống] Chú ý chăm sóc người già

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 mang đến những thách thức mới cho loài người. Không chỉ sự lây lan của virus và tỷ lệ tử vong do bệnh tật đối với các nhóm nguy cơ mà còn tác động đến cảm xúc, hành vi và tâm lý đối với cộng đồng.

Các biện pháp ngăn chặn sự lây truyền dịch bệnh như giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng đến hành vi của mỗi người và có thể dẫn đến rối loạn tâm lý. Cần chú ý đến các nhóm dễ bị tổn thương vừa để ngăn chặn những tác động có hại về mặt tinh thần của đại dịch, vừa cung cấp những hỗ trợ cần thiết. Người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch. Các thông tin về đại dịch xung quanh về việc thiếu thực phẩm, thuốc men, bác sĩ, tỉ lệ tử vong cao ở người lớn tuổi… làm cho người lớn tuổi cũng căng thẳng, lo lắng cho sức khỏe của bản thân, của con cháu.

Trước đại dịch, người cao tuổi là nhóm có nguy cơ cô đơn cao. Hiện nay, người cao tuổi có nguy cơ bị lo âu và trầm cảm cao hơn khi bị rơi vào tình huống mất kết nối xã hội. Đối với những người không có gia đình hoặc bạn bè thân thiết, họ chỉ tiếp xúc xã hội là ở ngoài nhà, đây có thể là những thời điểm đặc biệt khó khăn. Nhiều cá nhân trong nhóm này chỉ kết nối với cộng đồng thông qua các hoạt động như tôn giáo (đi lễ nhà thờ, đi chùa….), tập thể thao ngoài công viên... Tuy nhiên, các hoạt động này đã bị hạn chế bởi đợt bùng phát Covid-19.

Sự cô độc ở người cao tuổi cũng được cho là gây ra những thay đổi sinh học như sự gia tăng các dấu hiệu viêm, có thể làm trầm trọng thêm các rối loạn thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer. Có nghiên cứu cho rằng, những người lớn tuổi bị cô lập với xã hội có số lượng tế bào T (tế bào miễn dịch) thấp hơn và mức độ viêm cao hơn so với những người cao tuổi hòa nhập với xã hội. Tham gia thường xuyên vào các tương tác xã hội có ý nghĩa giúp tăng cường chức năng miễn dịch bằng cách giảm tác động ức chế của căng thẳng đối với khả năng phục hồi miễn dịch.

Đối với người lớn tuổi, đặc biệt là những người sống cô lập và bị suy giảm nhận thức, mất trí nhớ, sẽ dễ trở nên lo lắng, tức giận, căng thẳng, kích động và thu mình hơn trong thời gian cách ly xã hội. Họ dễ trở nên cáu gắt, thích tranh cãi, lớn tiếng, hành vi bạo lực… Chúng ta có thể nhận ra sự căng thẳng ngày càng tăng ở người thân nếu họ có vẻ sợ hãi vô cớ về những thứ khác ngoài Corona virus, ngủ không ngon hoặc giảm sức tập trung so với trước đây, tình trạng bệnh mãn tính có thể trở nên tệ hơn hoặc họ có dấu hiệu gia tăng sử dụng rượu, thuốc lá hoặc các loại thuốc khác như thuốc giảm đau. Một số dấu hiệu khác như mất hứng thú với những thứ trước kia từng thích, nhà cửa lộn xộn kém gọn gàng trong khi trước kia rất thích dọn dẹp, ít tắm hơn, quên uống thuốc.

Cần có sự chia sẻ thông tin về đại dịch cho người cao tuổi một cách đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng. Cần làm như vậy một cách tôn trọng và kiên nhẫn để giúp người cao tuổi cảm thấy thoải mái và bớt lo lắng hơn. Khuyến khích họ tạm dừng xem/nghe/đọc và tin tức về đại dịch nhất là tình trạng lây nhiễm mạnh, hình ảnh cấp cứu thở máy, chạy thận… tử vong.

Nên khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động như đi dạo trong vườn nhà, tập thể dục nhẹ hoặc thiền. Các hoạt động thể chất có tác dụng tăng cường chức năng tế bào T và giảm viêm ở người cao tuổi. Khuyến khích các cuộc nói chuyện, sẻ chia những vấn đề mà cả hai phía đều quan tâm và cảm giác của mỗi người. Hướng dẫn người cao tuổi cách trò chuyện video với người khác bằng điện thoại thông minh, máy tính xách tay hoặc máy tính bảng. Sử dụng các ứng dụng trên các thiết bị này để cung cấp phụ đề cho người lớn có vấn đề về thính giác.