Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Dạy con ứng xử trên mạng xã hội

TS. Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ em hiện chơi Face rất nhiều. Đó là nơi để trẻ tìm kiếm nguồn tài liệu để học tập, trao đổi về sở thích, những hiểu biết về thế giới tự nhiên…

Cũng có nhiều gia đình lo sợ con mình bị dụ dỗ, lôi kéo làm điều xấu nên cấm tiệt con cái tham gia mạng xã hội; phần đông các gia đình sợ con cái mình sẽ bị bắt nạt trên mạng dẫn đến dễ tổn thương. Trên mạng, thông tin sai lệch nhan nhản trong khi trẻ chưa đủ trình độ để phân biệt thực hư.
Gần đây, một doanh nhân nổi tiếng cho biết con của bà bị tổn thương khi nhiều người nói xấu bà trên mạng đến mức gần như trầm cảm. Ngay cả chuyện người lớn nói xấu nhau ầm ĩ trên mạng cũng ảnh hưởng xấu đến con trẻ khi vô tình chúng ghé mắt vào sự việc. Ngay cả “cha đẻ” của Apple là Steve Jobs cũng được cho là không khuyến khích con cái tham gia mạng xã hội, mà phải chú trọng đọc sách giấy và gia đình ông có một giá sách đồ sộ.
 Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, mạng xã hội - xã hội số và rồi những công dân số là xu hướng không thể đảo ngược. Do đó, thay vì cấm đoán con cái, cha mẹ cần trao đổi với con những kỹ năng cần thiết để phòng vệ khi ở môi trường mới này.

Hiện đã có các phần mềm để quản lý trẻ em, giúp chúng chỉ được loanh quanh vùng cho phép, tránh xa những cám dỗ, cạm bẫy trên mạng. Tuy nhiên, với trẻ em, để tránh khỏi những bất trắc do mạng xã hội mang lại, điều quan trọng chúng phải được chăm sóc kỹ trong cuộc sống đời thực, để trở thành người lương thiện, nhân hậu.

Đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh đã dùng 4 lời răn dạy của nghệ sĩ Ba Xây dạy con để rút ra cho mình và cho mọi người khi giáo dục con trẻ. Đó là: Ra đời, sống là kính trên nhường dưới; Không thượng đội hạ đạp; Không nịnh hót; Không đạp đổ chén cơm của người khác. Đó là những điều răn dạy con cái vắn tắt, dễ nhớ của một nghệ sĩ nổi tiếng mang phong cách Nam bộ, giản dị và hết sức đúng đắn. Ngoài ra, có những lời khuyên, triết lý sống hay, đúng đắn khác để chúng ta tham khảo.

Điều nói trên có nghĩa là, muốn con cái có ứng xử đúng trên mạng xã hội, trước hết phải dạy chúng xử sự phải phép trong đời thực. Bởi chỉ có vậy mới không xảy ra hai trường hợp: Thái độ ngang ngược, ức hiếp người khác trên mạng xã hội; hoặc sống giả dối, ở cuộc sống ảo có bộ mặt khác, thậm chí trái ngược với đời thực.

Một bà mẹ than: Con mình rất lười biếng nhưng khi lên mạng khoe học chăm thế này, giúp mẹ việc nhà thế kia… Thực sự là rất nản lòng khi thái độ của con giả dối.

Cuối cùng, cha mẹ không thể bỏ mặc con trẻ muốn làm gì thì làm trên mạng xã hội. Cần có quy định vê giờ giấc trẻ lên mạng, thậm chí chỉ là việc cầm điện thoại thông minh, máy tính bảng. Cần phải cho trẻ hiểu rằng, cuộc sống thực tế đối với chúng, việc học hành - ôn bài học, chơi trò chơi vận động là cần thiết.