Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Giúp trẻ vượt qua bi quan, chán nản

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nghiên cứu cũng như các cuộc khảo sát của các chuyên gia tâm lý đã cho thấy tỷ lệ không nhỏ trẻ ở độ tuổi trước thành niên có biểu hiện và hành vi lo lắng, bi quan trước cuộc sống. Tuy nhiên, một điều đáng băn khoăn là hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng, đây là chuyện không có gì đáng lo nghĩ, “lớn lên trẻ sẽ hiểu”.

Nhiều nghiên cứu cũng như các cuộc khảo sát của các chuyên gia tâm lý đã cho thấy tỷ lệ không nhỏ trẻ ở độ tuổi trước thành niên có biểu hiện và hành vi lo lắng, bi quan trước cuộc sống. Tuy nhiên, một điều đáng băn khoăn là hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng, đây là chuyện không có gì đáng lo nghĩ, “lớn lên trẻ sẽ hiểu”.
Nhưng như các nghiên cứu đã chỉ ra, sự hình thành và phát triển tâm lý của trẻ thường diễn ra rất phức tạp. Hằng ngày trẻ tiếp nhận rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhưng nếu thiếu hiểu biết và kinh nghiệm để giải quyết, sẽ dẫn đến băn khoăn, lo lắng. Nhiều trẻ chia sẻ, khi chứng kiến những điều tiêu cực trong xã hội như hiện tượng bất công, bạn bè đánh nhau, hay gặp những cú sốc đầu đời, thất tình, gia đình bất ổn, áp lực học hành… đều cảm thấy không tin tưởng vào tương lai tốt đẹp, nên nảy sinh tâm lý bi quan, chán nản, nhưng lại không tìm được sự thấu hiểu ở bố mẹ.
Thực tế trẻ hay bi quan và chán nản còn bởi lý do thường mắc sai sót, lỗi lầm, không tin vào năng lực của bản thân, cảm thấy “có lỗi” khi không đáp ứng được những kỳ vọng của mọi người xung quanh. Trong khi đó, không ít người lớn khi con chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân trước các vấn đề gặp phải trong cuộc sống, lại thường cho rằng, trẻ đã biết gì mà suy nghĩ, hay quát nạt để át đi; có người thì chỉ nói kiểu “lớn lên rồi con sẽ hiểu” khi trẻ mong được giải thích.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, nếu người lớn không thực sự có sự quan tâm, không có cách giáo dục phù hợp để giúp các em có lối sống đúng thì việc chán nản, thậm chí dẫn đến sai đường là điều hiển nhiên. Bởi người lớn chúng ta thường an ủi nhau rằng, “phải đối mặt với thực tế và vượt qua khó khăn bằng khả năng của chính mình!”, điều đó cũng là việc cần thiết trong hành trình lớn lên của trẻ.
Giữa dòng xoáy cuộc sống, chỉ cần một tác động nhỏ đều dẫn đến suy nghĩ bồng bột ở trẻ. Nếu không có sự tác động từ gia đình, chiều hướng bi quan sẽ tăng nặng hơn, là nhận định được đưa ra. Do đó, trong mọi tình huống trẻ gặp phải hay đối mặt trong cuộc sống, bố mẹ phải động viên, khuyến khích con cái kịp thời, đưa ra cách ứng xử phù hợp. Cùng con giải quyết, nhưng không được làm thay con. Tùy theo lứa tuổi, vấn đề của con, bố mẹ hãy để con tự xác định cảm xúc, lựa chọn phương pháp giải quyết phù hợp. Bố mẹ hãy cho con quyền tự quyết định những việc mà trẻ kiểm soát được và dạy trẻ biết cách chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Hãy mạnh dạn để con nếm trải thất bại, đối diện với những sai sót. Nhưng hãy ân cần chỉ rõ đó là “học phí” cho những bài học kinh nghiệm đáng quý; khích lệ con tìm cách khắc phục khó khăn. Đồng thời, bố mẹ hãy giúp con không suy nghĩ quá lâu về những điều không vui và biết cách nhìn vào mặt tốt của vấn đề. Khi nào trẻ quá bi quan, hãy kể lại cho trẻ những thành tích mà chúng đã đạt được trước đây, chia sẻ những kỷ niệm đẹp, giúp trẻ lấy lại tinh thần và cũng là cách tạo thành một lá chắn vững chắc trước biến cố cuộc sống.