Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Làm gì khi trẻ bị nhàm chán?

TS Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa dịch Covid-19, trẻ phải ở nhà nhiều ngày, không được đến trường gặp gỡ bạn bè. Trẻ lúc này dễ bị stress và do còn non nớt, chưa biết kiềm chế cũng như giải phóng cảm xúc nên tinh thần dễ suy sụp.

Chị H. cho biết, mấy đứa con nhà chị sau thời gian phải ở nhà không được chạy ra đường trở nên cáu kỉnh. Chúng hết xem ti vi, chơi game, ôn tập bài vở… xong, thời gian rỗi không biết làm gì nên lăn ra ngủ. Chúng ngủ dậy chủ yếu là đến bữa ăn, rồi xem ti vi, rồi ngủ lúc nào không biết. Chúng vì ngày ngủ nhiều nên tối thức khuya hơn, có khi tận 12 giờ đêm mới đi ngủ. Có khi đứa lớn tỏ ra cáu kỉnh chỉ vì mẹ nó sai một chuyện gì đó nhỏ nhặt. Chúng dễ buồn, dễ tức giận hơn.
 Chăm sóc cây cảnh tại nhà. Ảnh: Trần Anh
Ngoài việc do nhàm chán, bị “cuồng chân”, ở nhiều gia đình, chính phụ huynh còn vô tình khiến bọn trẻ lo lắng. Họ do lo lắng về dịch bệnh, về đời sống kinh tế… nên bộc lộ cảm xúc tiêu cực. Điều này khiến trẻ con bị lây cảm xúc và lo lắng theo. Đây là điều phụ huynh nên tránh.

Một chuyên gia tâm lý cho biết: Trong thời gian dịch bệnh, phụ huynh cần cố gắng tỏ ra vững vàng về tâm lý. Điều đó giúp trẻ an tâm hơn. Nên tránh bàn chuyện về dịch bệnh nhiều ở khía cạnh xấu; nói nhiều hơn về những điều tích cực lạc quan. Vì như vậy, không khí gia đình sẽ vui vẻ hơn.

Thời gian này, trẻ em cần được bố mẹ quan tâm nhiều hơn. Đây là lúc, bố mẹ trò chuyện với con về học hành, về những chuyện vui; đồng thời tìm cách giúp chúng vận động.

Mỗi nhà, tùy theo hoàn cảnh có thể khuyến khích trẻ làm vườn, nấu ăn, tập thể dục tay không. Có vận động thì trẻ sẽ đỡ xem ti vi, không quá chú tâm vào game ở điện thoại, máy vi tính… Cũng có gia đình giúp bọn trẻ có thêm kỹ năng nấu ăn. Đây là điều cần thiết cho cả bé trai lẫn bé gái, để chúng sau này có cuộc sống tự chủ.

Thời gian này, các cháu chuẩn bị học trực tuyến ở năm học mới. Việc học theo hình thức này đã khá quen với đại đa số các cháu (trừ những trẻ chuẩn bị vào lớp 1), nhưng phụ huynh cũng không nên lơi là và cần chú ý để hỗ trợ chúng. Cần chuẩn bị tốt cho trẻ các công cụ cần thiết cho việc học trực tuyến, giúp trẻ học dễ dàng hơn.

Thời gian phải ở nhà, trẻ cũng nên được tăng cường học ngoại ngữ. Ngoài ra, phụ huynh nên liên lạc thêm với thầy cô giáo để giúp trẻ bổ khuyết những điểm yếu trong học hành.

Lúc này, gia đình nên giúp con lên lịch học hành một cách nghiêm chỉnh. Đây là điều giúp trẻ có mục tiêu học hành rõ ràng, có sự cố gắng và thời gian để hoàn thành mục tiêu, giúp con ít thời gian rỗi để nhàm chán và lo lắng.

Cuối cùng, sức khỏe của tinh thần không tách rời sức khỏe thể chất. Phụ huynh cần chú ý cho trẻ ăn uống đầy đủ, nhất là về vitamin và khoáng chất; thức ăn cần cân đối về dinh dưỡng, tránh cho trẻ ăn uống nhiều chất béo và đồ ngọt.

Với sự cân bằng về tâm lý, khỏe mạnh về thân thể, có sự vận động hợp lý, có thời gian đầu tư cho việc học và cho cả giải trí, trẻ sẽ vượt qua sự nhàm chán trong mùa dịch.