Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ năng sống: Lùi lại không có nghĩa là kém

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện, mô hình gia đình vợ là trụ cột kinh tế, chồng ở nhà làm nội trợ không còn hiếm. Nhưng sau lưng người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ dường như là chuyện quá bình thường, còn sau lưng người phụ nữ thành đạt là một người đàn ông chấp nhận ở nhà lại có khá nhiều chuyện nảy sinh.

Thực tế, nhiều người phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn chồng, hàng ngày đi làm về, nhìn thấy chồng cứ cặm cụi bếp núc hay dọn dẹp nhà cửa cũng ít nhiều xuất hiện cảm giác ngao ngán, bực dọc và cảm thấy mình bất hạnh không có người chồng thành đạt. Có lẽ thực tế này xuất phát từ trong quan niệm của mọi người, đàn ông phải là trụ cột về kinh tế, có làm việc nhà cũng chỉ là "giúp vợ". Không ít người đàn ông, mặc dù “cực chẳng đã” phải lùi lại, họ vẫn luôn cho rằng việc nội trợ là của phụ nữ và họ chưa từng thừa nhận vai trò nội trợ của mình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Do đó, nhiều khi bức xúc lại nảy sinh từ chính thái độ của người đàn ông khi “chịu” lép vế trước vợ về công danh. Nhiều người đã trở thành người nhún nhường một cách vô điều kiện trước vợ mình. Những lúc vợ không vừa lòng điều gì, thậm chí là quát tháo, họ cũng chỉ biết im lặng hoặc lẳng lặng đi làm lại. Và sự im lặng ấy khiến họ trở nên “buồn chán” hơn trong mắt vợ mình. Không ít người lại trở thành “khó tính”, bắt ne bắt nẹt từ cử chỉ đến lời nói của vợ. Một người phụ nữ than thở: Chị chỉ cần lỡ lời một chút là anh gầm lên: “Phải rồi, cô giỏi...” rồi lấy xe bỏ đi... Thực lòng chị chỉ muốn được cùng anh lo cho gia đình, nhưng giải thích cách nào anh cũng không hiểu. Lẽ ra gia đình là nơi nương tựa, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt nhọc, thì giờ đây cứ phải canh chừng lời ăn tiếng nói vì sợ chồng giận.

Không lẽ, đàn ông cứ phải kiếm nhiều tiền hơn vợ mới đúng với danh nghĩa trụ cột, gia đình mới thực sự hạnh phúc? Trả lời câu hỏi ấy, theo chuyên gia tâm lý, ai cũng có nhu cầu đi làm, quan hệ xã hội và khẳng định mình, chẳng ai muốn trở thành “tỷ phú thời gian” với những công việc không tên trong nhà. Bởi vậy, hơn ai hết, những người đi làm nên thấu hiểu tâm tư, tình cảm của nửa còn lại mà có những hành động cho đúng, phù hợp. Còn bản thân người đàn ông, thấy vợ mình thành công nên lấy làm vui, không nên bị cảm giác lép vế dằn vặt và sinh ra đố kỵ.

Nhiều ý kiến cho rằng, với đàn ông hay phụ nữ, những người ở nhà nội trợ đã là sự hy sinh cho gia đình, vì họ biết lựa chọn việc làm phù hợp nhất để có được một mái ấm hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có thể, đó chỉ là một giai đoạn trong cuộc sống, là khi họ chưa nắm được cơ hội để bộc lộ năng lực của mình. Họ sẽ làm được nhiều điều nếu có sự động viên của nửa còn lại và hãy cho họ thời gian để làm điều đó. Nhiều người phụ nữ vẫn giữ được gia đình hạnh phúc đã từng chia sẻ kinh nghiệm, theo họ, để người chồng không cảm thấy “lép vế” phụ thuộc rất nhiều vào thái độ ứng xử của cả hai. Hãy tạo ra một sự bình đẳng khi bước vào gia đình, cùng chia sẻ chuyện con cái, bàn bạc cách chi tiêu và tránh nhất một điều “quá tự hào về bản thân”.