Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội Nhà văn Việt Nam:

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Hữu Thung

Long Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/8, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Nghệ An và gia đình tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Hữu Thung (1923 - 2023).

Tham dự Lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Võ Văn Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Nghệ An; lãnh đạo huyện Diễn Châu, cùng với các nhà văn, nhà thơ và gia đình nhà thơ Trần Hữu Thung.

Tiết mục văn nghệ chào mừng của các nghệ sỹ.
Tiết mục văn nghệ chào mừng của các nghệ sỹ.

Nhà thơ Trần Hữu Thung (sinh ngày 26/7/1923, tại xã Diễn Minh, nay là xã Minh Châu), huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Ông mất ngày 31/7/1999.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá về sự nghiệp và những cống hiến của nhà thơ Trần Hữu Thung cho văn học cách mạng nước nhà, những tác phẩm của nhà thơ Trần Hữu Thung, không chỉ đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, mà nó còn khẳng định một giá trị trường tồn về văn hóa, một giá trị về một con người mà nhà thơ Trần Hữu Thung đã để lại cho thế hệ sau.

Là một nhà thơ trưởng thành sau Cách mạng tháng Tám, Trần Hữu Thung luôn hăng hái, nhiệt tình trong lao động sáng tạo phục vụ cách mạng. Gắn mình trong công tác kháng chiến, tác phẩm của Trần Hữu Thung ngay từ buổi đầu đã mang những tình cảm thật chân thành, cảm động để tuyên truyền vận động quần chúng ở nông thôn. Thơ đối với ông, những ngày đầu cầm bút, chỉ là phương tiện công tác, ông viết để ca ngợi chiến công, phổ biến chủ trương chính sách, phản ánh đời sống người nông dân kháng chiến. Lời lẽ mộc mạc, tình cảm thật thà, phổ cập...

Trần Hữu Thung đã có nhiều tác phẩm đã được xuất bản, trong đó “Thăm lúa” - bài thơ được đưa vào sách giáo khoa, được nhiều người bình giảng, còn có bài thơ hay khác như “Anh vẫn hành quân” đã được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc.

Ông còn là tác giả gần 20 tác phẩm đã xuất bản như: “Đồng tháng Tám” (tập thơ đoạt Giải Nhì về thơ của Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955), “Dặn con” (thơ – 1955), “Ngày thu ấy” (thơ - 1957), “Gió Nam” (thơ – 1962), “Hai Tô hò khoan” (thơ – 1961), “Chị Nguyễn Thị Minh Khai” (thơ – 1961), “Đất quê mình” (thơ – 1971), “Tiếng chim đồng” (thơ – 1975), “Mặt đường mặt đồng” (thơ), “Lời mách sáo” (thơ), “Sen quê Bác” (thơ – 1985)…

Đại biểu tham dự buổi kỷ niệm.
Đại biểu tham dự buổi kỷ niệm.

Bên cạnh thơ, Trần Hữu Thung còn viết văn xuôi chủ yếu là những ghi chép, giữ lại những năm tháng, những kỷ niệm của quê hương đánh giặc như: “Ngày ấy bên sông Lam” (kịch bản phim truyện – 1980), “Ký ức đồng chiêm” (ký – 1988, đoạt Giải Nhất cuộc thi ký do báo Văn nghệ và đài TNVN tổ chức), “Hồi ức về săn bắn” (1966), “Tiếng hát ru” (1975)…

Với những đóng góp của mình, nhà thơ Trần Hữu Thung vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2001.