Dự Hội thảo có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến.
Bằng chứng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, cùng với niềm tự hào kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1.980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, phụ nữ Thủ đô cùng cả nước tự hào kỷ niệm 55 năm phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”.
Đây là phong trào khởi nguồn từ sáng kiến của phụ nữ huyện Đan Phượng, được T.Ư Hội LHPN Việt Nam chính thức phát động ngày 22/3/1965 với tên gọi ban đầu là “Ba đảm nhiệm”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, gợi ý, đổi tên thành “Ba đảm đang”. Phong trào đã trở thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong phụ nữ toàn miền Bắc.
Ra đời trong bối cảnh đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc nhằm ngăn chặn chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với tiền tuyến miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của tổ chức Hội Phụ nữ giai đoạn 1965-1975 với các nội dung: Đảm đang sản xuất, công tác thay thế chồng con đi chiến đấu; đảm đang công việc gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.
55 năm đã trôi qua những dấu ấn của phong trào phụ nữ Ba đảm đang mãi là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Thủ đô, là minh chứng sinh động cho tinh thần yêu nước nồng nàn và nhiệt tình cách mạng, sức mạnh to lớn của chị em phụ nữ trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử Thủ đô mãi mãi khắc ghi hình ảnh sáng ngời của hàng vạn phụ nữ Ba đảm đang vừa sản xuất, vừa công tác, lo toan công việc gia đình, động viên chồng con đi chiến đấu, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do - Tất cả cho tiền tuyến”.
Các ý kiến tham gia tại Hội thảo đã làm rõ nét những móc son trong lịch sử phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc đổi mới Thủ đô và đất nước.
Chia sẻ về phụ nữ Đan Phượng đi đầu trong phong trào “Ba đảm đang” trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Lê Thị Quýnh, nguyên Chủ tịch UBND xã, nguyên Hội trưởng Hội phụ nữ xã Trung Châu (Đan Phượng) cho biết: Phong trào Ba đảm nhiệm của huyện Đan Phượng đã được lan toả ra nhiều nơi, được T.Ư Hội LHPN Việt Nam phát động một cao trào rộng lớn. Sau này, được Bác Hồ đổi tên thành phong trào “Ba đảm đang” và đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong cả nước. Điều nay khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ huyện Đan Phượng, là bằng chứng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của phong trào "Ba đảm đang", trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã bám sát nhiệm vụ chính trị, cụ thể hóa nghị quyết và các chương trình công tác của Thành ủy, vận dụng sáng tạo, tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua thiết thực như: phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc"; "Phòng chống ma túy từ gia đình”, cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ “Tự Tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”… được thực hiện với hình thức đa dạng, phong phú thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang phụ nữ Ba đảm đang trong thời kỳ mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Ban chấp hành Hội LHPN Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô. Tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.
Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, tổ chức các hoạt động tuyên truyền chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Thủ đô và của Hội.
Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt Quy định 217/QĐ – TW, Quy định 218/QĐ – TW của Bộ Chính trị, nâng cao hiệu quả công tác giám sát phản biện xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; Chủ động tham mưu công tác giới thiệu nhân sự nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 (tỷ lệ 15% trở lên); tham gia đóng góp ý kiến xây dựng văn kiện đại hội đảng, thi đua thực hiện các công trình, phần việc thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần vào việc tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc sắp xếp, kiện toàn các cơ sở Hội, chi, tổ phụ nữ, đội ngũ cán bộ Hội cấp xã và thôn, tổ dân phố theo Đề án số 06-ĐA/TU, Đề án 21-ĐA/TU của Thành ủy.
Ngoài ra, tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; xây dựng nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch - văn minh, hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Hội LHPN Hà Nội giới thiệu triển lãm ảnh “Hoa đất Việt” khắc họa những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với điểm nhấn là phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” của Hà Nội, giai đoạn 1965-1975; không gian trưng bày một số bộ sưu tập áo dài, hưởng ứng chuỗi sự kiện “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. |