Tiến sỹ Sử học Nguyễn Khắc Thái, nguyên giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Huế, hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình. Ông có nhiều công trình nghiên cứu khoa học lịch sử có giá trị, trong đó có nhiều đề tài, tham luận chuyên sâu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng (25/8/1911-25/8/2021), Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: TTXVN |
Trong công trình khoa học “Chiến thắng bằng mọi giá”, nhà sử học quân sự Mỹ Cecil B Curey nhận định “Đằng sau mỗi thắng lợi, người ta thấy Tướng Giáp là nguồn động lực. Công trạng của ông là vô song và kết quả đạt được là phi thường, chính cái đó tạo nên thiên tài quân sự”. Điều này được hiểu như thế nào thưa Tiến sỹ?
Khác với giới chức khoa học và truyền thông khi bàn thảo nhiều về những sự kiện lịch sử gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khai thác những giá trị tinh hoa về tư duy lý luận và phong cách nhà chiến lược cách mạng trong những sự kiện lịch sử trên hành trình lịch đại, Cecil B Curey đã dẫn dắt một hệ tuyến luận điểm các luận đề khoa học với cách dẫn luận khá độc đáo để khẳng định tầm vóc lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ và không đơn giản chỉ là những dấu ấn thực tiễn mà chính là linh hồn của những biến cố lịch sử làm nên chiến thắng.
Nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng thấy rõ điều đó.
Một là, khi được giao nhiệm vụ thành lập một đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên với tư tưởng chỉ đạo là kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và tuyên truyền để phát huy hiệu quả trên cả hai mặt trận đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, Võ Nguyên Giáp đã nhanh chóng nắm bắt được tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông trở thành người tổ chức, chỗ dựa tinh thần và điều hết sức quan trọng là ông trở thành động lực tạo nên sức mạnh của một đơn vị vũ trang.
Mặc dù bộ máy tổ chức của đơn vị vũ trang đầu tiên hết sức giản đơn nhưng nó là một mô hình thu nhỏ của hệ thống tổ chức quân đội cách mạng. Từ một mô hình tổ chức, nền móng của tư tưởng về “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng Quân đội nhân dân” đã bắt đầu hình thành từ đó và trở thành thuyết luận cơ bản trong đường lối quân sự Việt Nam, giúp nhân dân Việt Nam giành chiến thắng trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh vệ quốc.
Hai là, động lực từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Như chúng ta đã biết, cục diện chiến tranh chống Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã dẫn đến cuộc đối đầu quân sự tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vào thời điểm ấy, nhân dân Đông Dương nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng đã ở trong tư thế sẵn sàng vào trận cuối. Đây là trận quyết chiến chiến lược mà Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định. Cục diện chiến tranh Đông Dương đã được đẩy đến phút chót. Cùng lúc với cuộc đối đầu với thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, lực lượng còn lại của Pháp đã bị khóa chặt trên 4 chiến trường: Đồng bằng Bắc bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Trung - Thượng Lào. Tuy quân Pháp ở Điện Biên Phủ là lực lượng chính quy, lại ở trong một Tập đoàn cứ điểm được xây dựng công phu, có trang bị mạnh nhưng đã bị bao vây, cô lập. Chiến thắng gần như là một niềm tin vững chắc trong quân và dân cả nước. Nhưng đến phút chót, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định đổi chiến thuật “Đánh nhanh, thắng nhanh” thành ‘Đánh chắc, tiến chắc”. Điều đó không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt quân sự là đảm bảo một chiến thắng để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi quyết định mà trong đó còn mang tính nhân văn cao cả. Chiến thuật “đánh chắc, tiến chắc” đảm bảo cho một thắng lợi chắc chắn nhưng tổn thất ít nhất cho nhân dân và Quân đội ta. Chính điều đó là động lực to lớn cho quân và dân ta có niềm tin vượt qua khó khăn để tạo lập thế trận mới ở Điện Biên Phủ.
Thứ ba, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại có một quyết định ngược lại với Chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là huy động mọi nguồn lực, chớp thời cơ đẩy nhanh cuộc Tổng tiến công bằng bức công điện nổi tiếng, đã đi vào lịch sử: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa!”. Khác với cục diện chiến sự ở Điện Biên Phủ, cục diện chiến tranh miền Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đặt toàn bộ hệ thống chính quyền Sài Gòn trước sự sụp đổ nhưng bộ máy chính quyền và quân đội vẫn gần như còn nguyên vẹn trong khi đồng minh của họ là Mỹ và một số nước khác chưa thể hiện rõ quan điểm xử lý tình huống này. Vì vậy, nếu không chớp thời cơ kết thúc cuộc chiến tranh khi kẻ thù đã hoang mang, khủng hoảng đến cực độ thì tổn thất sẽ kéo dài. Bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì vậy đã tạo ra một động lực mạnh mẽ để quân dân ta chớp thời cơ giành thắng lợi nhanh chóng nhất, trọng vẹn nhất.
Từ những dẫn liệu trên đây, cho thấy giá trị tư tưởng và tinh thần có ý nghĩa động lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên hành trình lịch sử Cách mạng Việt Nam.
Vậy thưa Tiến sỹ, yếu tố nào đã tạo nên một Võ Nguyên Giáp với những động lực phi thường và huyện thoại để đưa Quân đội và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác?
Có nhiều yếu tố hội tụ trong con người Võ Nguyên Giáp để giúp ông thành công trong sự nghiệp cầm quân, trở thành người lãnh đạo xuất sắc và vị tướng huyền thoại.
Tố chất thiên tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cá nhân, với một trí thông minh bẩm sinh; đặc biệt, với truyền thống quê hương, gia đình và cuối cùng là được trải nghiệm trong cuộc trường chinh cách mạng của dân tộc. Trong những thành tố làm nên vị tướng huyền thoại, vai trò của quê hương, gia đình và quan trọng hơn là được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, đào luyện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Truyền thống gia đình ông có tinh thần yêu nước, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vùng quê Lệ Thủy là mảnh đất có nhiều danh nhân, thời nào cũng có những anh hùng, hào kiệt, có những cống hiến xuất sắc cho sự trường tồn và hưng thịnh của đất nước. Đây là bệ phóng để sau này Võ Nguyên Giáp kế thừa, phát huy và trở thành vị tướng huyền thoại. Cùng với yếu tố quê hương và gia đình, may mắn tạo nên bước ngoặt của cuộc đời cách mạng của ông là được hoạt động bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thăng hoa những tố chất, tài năng để ông trở thành danh tướng huyền thoại trên toàn thế giới.
Bên cạnh những yếu tố để làm nên một danh tướng huyền thoại, là người cùng quê với Đại tướng, lại có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về cuộc đời, sự nghiệp của ông, Tiến sỹ muốn chia sẻ thêm điều gì?
Còn rất nhiều yếu tố khác nữa để nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp; trong đó, lắng sâu là tình yêu quê hương, tính nhân văn trong con người ông. Tình yêu quê hương thể hiện rõ nhất, xúc động nhất với câu nói “Quảng Bình là nhà tôi, mỗi khi rảnh việc nước thì tôi về nhà”.
Nói như vậy nhưng thực ra trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông làm việc không ngưng, không nghỉ. Tuy nhiên, dù bận rộng trăm công nghìn việc nhưng nếu có bất cứ cơ hội nào, dù chỉ là thời gian ngắn ngủi, ông cũng tranh thủ về thăm quê hương. Khái niệm quê hương của ông khá rộng, thấm đẫm chất nhân văn. Đó có thể là làng An Xá, Xã Lộc Thủy nói riêng, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nói chung nhưng quê hương trong ông còn là những làng quê từ đồng bằng đến miền núi, từ đô thị đến nông thôn ở Quảng Bình, những địa chỉ gắn liền với phong trào yêu nước, cách mạng và những vùng quê còn nhiều khó khăn trong kinh tế - xã hội ở huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh hay chính giữa đô thị Đồng Hới.
Những lời căn dặn của Đại tướng mỗi lần về thăm quê với chiều sâu tư tưởng, có tầm vóc khoa học, lại thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Những căn dặn của Đại tướng bao giờ cũng đặt trọng tâm lên 2 vấn đề. Một là tình hình kinh tế, sản xuất và đời sống. Đại tướng chỉ ra những việc chưa tốt, những việc nên làm và đặt ra yêu cầu là phải luôn sáng tạo, phải luôn đổi mới. Đại tướng đặc biệt quan tâm đến những người dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc, những người có công với nước, người già, trẻ em… Hai là ông quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, chỉ ra cho cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Giáo dục phải phấn đấu đạt được chuẩn mực giáo dục tiên tiến với 5 yếu tố là quan điểm, triết lý giáo dục đúng, chương trình giáo dục tiên tiến, hệ thống giáo dục mạnh, chăm lo đào tạo nhân tài và quan tâm mặt bằng giáo dục cộng đồng. Đó là quan điểm giáo dục toàn diện, hiện đại và giàu tính nhân văn.
Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!