Chuyển dịch đúng hướng
Xuất phát điểm là huyện thuần nông, kết cấu hạ tầng lạc hậu, thế nhưng sau 40 năm, Sóc Sơn đã có bước tăng trưởng ấn tượng. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và chủ động của toàn hệ thống chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 20 năm qua của huyện Sóc Sơn đạt trên 9%. Đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm trên 57%, dịch vụ khoảng 30%, còn lại 13% là nông nghiệp. Tăng trưởng các ngành kinh tế giúp nguồn thu ngân sách 10 năm trở lại đây liên tục vượt so với kế hoạch được giao.
Nếu như năm 1977, toàn huyện chỉ có 22 DN, đến nay, số DN đang hoạt động trên địa bàn đã lên tới con số 1.518. Đặc biệt, với vị trí cửa ngõ thuận lợi cùng hạ tầng được kiến thiết ngày một đồng bộ, Sóc Sơn đã thu hút được ngày càng nhiều sự quan tâm của các DN nước ngoài. Hiện, toàn huyện có 45 DN có vốn đầu tư nước ngoài (tổng vốn đầu tư khoảng 9.900 tỷ đồng), đang hoạt động hiệu quả và tạo việc làm cho trên 15.500 lao động. 1.473 DN trong nước (tổng vốn đầu tư 18.600 tỷ đồng) cũng đang vận hành ổn định, tạo việc làm cho trên 20.700 lao động.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, hiện đang được huyện quy hoạch phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 32 vùng chuyên canh, xây dựng được 5 nhãn hiệu nông sản tập thể. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác tăng từ 12,1 triệu đồng (năm 1991) lên trên 152 triệu đồng (năm 2016); có những vùng sản xuất đạt từ 350 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. Dự kiến đến hết năm 2017, toàn huyện sẽ có 18/25 xã về đích nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trước năm 2020...
Hạ tầng được nâng cấp
Sự phát triển ấn tượng trên của huyện Sóc Sơn có được là nhờ nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc nâng cấp hạ tầng đi trước một bước. Nếu như trước năm 2000, giao thông nông thôn chủ yếu là đường cấp phối, thì đến nay, hơn 95% đường giao thông thôn, xóm đã được bê tông hoá; 70km đường liên huyện, liên xã cũng được nhựa hóa. Huyện đã tranh thủ rất tốt sự hỗ trợ, đầu tư của T.Ư, TP trong công tác xây dựng mới, mở rộng và nâng cấp các tuyến trên địa bàn. Hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn ở 100% số xã. Thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tổng vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ bản các xã, thị trấn của huyện trong 15 năm (từ 2000 - 2015) đạt trên 3.000 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng cơ bản 2016 cũng lên tới 615 tỷ đồng...
Để hoàn thành được các mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Quản lý tốt quy hoạch, đất đai, môi trường, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Xây dựng đồng bộ, từng bước hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt...
Từ một huyện có tới 35% số hộ nghèo vào năm 1990, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của huyện Sóc Sơn chỉ còn khoảng 3,7%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/người/năm. |