Kỷ niệm 50 năm “Con đường hạnh phúc”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 20/3, tại TP Hà Giang, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm hoàn thành “Con đường hạnh phúc” từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn, Mèo Vạc, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Tham dự Lễ Kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn.

Đặc biệt, có sự tham dự của gần 400 cựu thanh niên xung phong  của 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Định và Hải Dương về thăm lại con đường hạnh phúc sau 50 năm.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, vùng cao Hà Giang còn rất nghèo đói, lạc hậu; trình độ dân trí thấp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội rất phức tạp.
Kỷ niệm 50 năm “Con đường hạnh phúc” - Ảnh 1

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa nói chung, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, nhằm phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hà Giang nói riêng, năm 1959, Tỉnh uỷ Hà Giang đã chủ trương xây dựng tuyến đường nối liền trung tâm tỉnh lên 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc tỉnh Hà Giang. Sau 6 năm xây dựng, con đường Hà Giang-Đồng Văn-Mèo Vạc với chiều dài gần 200 km xuyên địa hình hiểm trở đã hoàn thành với tên gọi Con đường Hạnh phúc. Thành quả này là công sức, máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong, dân công và đồng bào các dân tộc khu Cao-Bắc-Lạng, Hà-Tuyên-Thái và các tỉnh Hải Hưng, Nam Định; nhiều người đã hy sinh, mãi mãi nằm lại với cao nguyên đá. Con đường Hạnh phúc đã giúp cho các huyện vùng cao phía Bắc rút ngắn khoảng cách với trung tâm tỉnh và miền xuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Giang phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành Con đường Hạnh phúc nhằm ôn lại một giai đoạn cực kỳ khó khăn, gian khổ của cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, trân trọng tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh gian khổ, mất mát và những đóng góp to lớn của lực lượng thanh niên xung phong và đồng bào, đồng chí trong quá trình xây dựng con đường mang lại hạnh phúc, ấm no cho hàng vạn đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Năm tháng đã qua đi, nhưng Con đường Hạnh phúc mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần lao động kiên cường, ý chí sắt đá, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây Bắc. Những bài học về sự đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, giữa miền núi với miền xuôi, sự học phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong quá trình xây dựng công trình này vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.

Để tiếp tục phát huy tinh thần lao động cần cù, lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc cũng như đền đáp những công lao to lớn, khát vọng cháy bỏng và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước, Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển, nhất là đặt Hà Giang trong mối liên kết giữa vùng Tây Bắc và các vùng, miền trong cả nước, để vững bước đi lên, phát triển bền vững; phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng đã trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân cho các cựu thanh niên xung phong 8 tỉnh tham gia làm tuyến đường này cách đây tròn 50 năm.