Quận Ba Đình được thành lập ngày 31/5/1961, mang tên khu phố Ba Đình. Năm 1981 đổi tên thành quận Ba Đình. Năm 2005 được điều chỉnh địa giới, hiện nay quận có diện tích 9,29 km2 với 14 phường trực thuộc và khoảng 222.000 nhân khẩu. Trong lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc, nơi đây luôn được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều di tích lịch sử, có truyền thống yêu nước, hiếu học, lao động sáng tạo, tài hoa và có nhiều nét văn hóa phong phú; một địa danh gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của Thăng Long - Hà Nội. Ngày nay, quận Ba Đình vẫn giữ vị trí quan trọng là một trong những quận của Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan T.Ư của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Người dân Ba Đình luôn tự hào về vùng đất lịch sử - văn hóa với những di tích gắn liền với quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc. Toàn quận hiện có 74 di tích, gồm 51 di tích lịch sử văn hóa và 23 di tích cách mạng kháng chiến; trong đó nổi bật là di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, hai trong số tứ trấn của Thành Thăng Long xưa là Đền Quán Thánh, Đền Voi Phục; có Quảng trường Ba Đình; Cột cờ Hà Nội; Lăng Bác Hồ, nơi yên nghỉ ngàn năm của vị cha già kính yêu của dân tộc... cùng hàng trăm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều làng nghề cổ truyền mang đậm dấu ấn lịch sử của Kinh thành Thăng Long. Trong bất cứ thời điểm và hoàn cảnh nào, cán bộ và Nhân dân quận luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Diện mạo ngày càng khởi sắcTruyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách của Ðảng bộ và Nhân dân quận Ba Ðình không chỉ được phát huy trong hai cuộc kháng chiến, mà còn được khơi dậy, phát huy trong thời bình. Năm qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, quận vẫn thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sự ổn định và đà phát triển, thu vượt chỉ tiêu ngân sách.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; bảo đảm an sinh xã hội luôn được quận chú trọng. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập quận, Ba Ðình đã gắn biển khánh thành các trường tiểu học: Kim Ðồng, Phan Chu Trinh, Thành Công B, Hoàng Hoa Thám. Nhiệm kỳ vừa qua, quận phê duyệt các dự án tu bổ di tích với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, đẩy mạnh xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử cách mạng để giáo dục truyền thống. Là địa phương thực hiện tốt các chế độ, chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước, công tác bảo trợ xã hội đối với người có công... cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính như áp dụng cơ chế “một cửa”, triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn đạt tỷ lệ 99%, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.
|
Quận Ba Đình - góc nhìn từ tuyến phố Văn Cao. Ảnh: Quang Hậu |
Nhiều dự án trọng điểm của T.Ư, TP trên địa bàn quận được tập trung giải quyết tốt như nút Voi Phục - Cầu Giấy, Giang Văn Minh - Đội Cấn, Liễu Giai - Hoàng Hoa Thám, Liễu Giai - Núi Trúc, Văn Cao - Hồ Tây, Dự án xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, đường Trần Phú - Kim Mã, đường Vành đai II... Các dự án được hoàn thành đã tạo cảnh quan đô thị khang trang, hiện đại, góp phần xây dựng quận “sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại”.
Ba Đình là bộ mặt của Hà NộiVới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của Nhân dân cùng với TP, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn quận đã được ngăn chặn hiệu quả. Điều này đã góp phần giúp quận tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021 - 2026).
Mục tiêu chung đến năm 2025, Đảng bộ quận Ba Đình xác định, tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; xây dựng quận ổn định, bình yên, an toàn, phát triển bền vững; phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp. Tiếp tục khẳng định vị thế địa bàn trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, đi đầu về văn minh đô thị và trong nhóm dẫn đầu về giáo dục - đào tạo. Đồng thời, quận đề ra 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là đẩy mạnh cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu chính quyền đô thị và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, trật tự văn minh đô thị, xây dựng quận “sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh hiện đại”...
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ quận Ba Đình lần thứ XXVI, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ: “Nếu Hà Nội là bộ mặt của cả nước thì Ba Đình là bộ mặt của Hà Nội. Hơn ai hết, Đảng bộ và Nhân dân quận phải luôn gương mẫu thực hiện lời dạy của Bác, đi đầu, dẫn đầu TP về mọi mặt, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại trên nền truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng. Cùng đó, quyết tâm xây dựng quận điển hình về đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp”.