Kỷ niệm 60 năm thành lập quận Đống Đa (31/5/1961 – 31/5/2021): Hướng tới xây dựng đô thị xanh, thông minh, hiện đại

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 60 năm đánh dấu chặng đường xây dựng và phát triển, hồn thiêng sông núi cùng truyền thống rạng ngời của cha anh đã hun đúc lên những người con Đống Đa không chỉ anh hùng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất mà vẫn giữ được nét thanh lịch của người Hà Nội. Đây là nền tảng và động lực quan trọng làm nên những chiến công rực rỡ trên mỗi chặng đường xây dựng và phát triển của quận.

Trụ sở Quận ủy - HĐND - UBND quận Đống Đa được khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2019.
Những trang sử oai hùng
Đống Đa xưa là một vùng đất cổ của Kinh thành Thăng Long. Con người nơi đây vốn có truyền thống yêu nước và luôn biết đoàn kết để vượt qua những gian nan thử thách. Tên gọi Đống Đa cũng gắn liền với chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lừng lẫy khi đập tan 29 vạn quân Thanh xâm lược vào năm 1789.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đống Đa đã nhanh chóng trở thành một trong những địa bàn sục sôi phong trào cách mạng. Trong đó, các chi bộ Đảng, đảng viên và nhiều người con Đống Đa là những hạt nhân nòng cốt đã góp phần làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đống Đa với Pháo Đài Láng cũng là nơi nổ phát súng lệnh đầu tiên mở đầu cho những ngày “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” chống thực dân.

Khi hòa bình lập lại, Đống Đa đã cùng Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh khôi phục kinh tế. Đây là nơi đầu tiên của Hà Nội có khu công nghiệp mới và cũng là một trong những cơ sở để Bộ Chính trị T.Ư Đảng, Bác Hồ phê duyệt việc quy hoạch Thủ đô. Ngày 9/6/1961, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 123 thành lập Đảng bộ Khu phố Đống Đa. Đây là một mốc son có ý nghĩa trọng đại trong trang sử hào hùng của Đảng bộ và Nhân dân Đống Đa.

Cùng với Thủ đô và đất nước, Đống Đa đã trải qua giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến đấu chống sự leo thang, phá hoại của Đế quốc Mỹ với ý chí đấu tranh kiên cường. Với khí thế toàn quốc thi đua đánh giặc lập công, gần 25.000 người con ưu tú của Đống Đa đã hăng hái lên đường ra trận. Trong số đó, có rất nhiều người đã hy sinh và để lại máu xương trên khắp các chiến trường. Trải qua những năm tháng chiến tranh giành độc lập, Khu phố Đống Đa bước vào giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới. Điều này được đánh dấu bằng việc, năm 1981, thực hiện Hiến pháp đã được Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI thông qua, Khu phố Đống Đa từ cấp chính quyền cơ sở được chuyển thành quận Đống Đa với quy mô 24 phường.

Không lùi bước trước khó khăn

Năm 1986 là năm mở đầu của Kế hoạch 5 năm (1986 – 1990). Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, chính quyền và Nhân dân quận Đống Đa đã phát huy tinh thần tự chủ, đổi mới tư duy bằng việc mạnh dạn xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và chuyển hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa để tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Tiếp đó, vào năm 1997, quận Đống Đa bị tách thành hai quận (Đống Đa và Thanh Xuân). Điều này đồng nghĩa với việc, bộ máy cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của quận phải có sự chia sẻ, điều động cán bộ để tăng cường cho cả hai quận. Trước khó khăn đó, Đảng bộ và Nhân dân quận Đống Đa vẫn kiên định lập trường đổi mới của Đảng; từng bước kiện toàn tìm bước đi thích hợp để củng cố và nâng cao đời sống của người dân. Đặc biệt, trong 5 năm đầu của thế kỷ XXI (2001 - 2005), trước cơ hội mới của thời kỳ hội nhập, quận đã nắm bắt thời cơ để đưa nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Giai đoạn chuyển mình quan trọng nhất không thể không nhắc đến đó là khoảng thời gian từ năm 2015 - 2020. Điều này được thể hiện ở việc, đà tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá và thu ngân sách trên địa bàn quận năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong 5 năm gần đây, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận liên tục tăng (năm 2015 thu 4.221,5 tỷ đồng, đạt 134,4%; năm 2019 thu 11.070,2 tỷ đồng, đạt 104,5% và năm 2020 thu hơn 11.285 tỷ đồng, đạt 102,34 %), là một trong những đơn vị top đầu có đóng góp thu ngân sách cao của TP. Ngoài ra, những đổi thay rõ nhất về bộ mặt đô thị Đống Đa còn được minh chứng bằng việc nhiều công trình giao thông hiện đại được xây dựng (Hầm đường bộ Kim Liên, cầu vượt Ngã Tư Sở và những tuyến phố đẹp nhất Thủ đô như phố Nguyễn Chí Thanh, Ô Chợ Dừa - Xã Đàn...).

Đáng chú ý, trong năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của Nhân dân cùng với TP, dịch Covid-19 trên địa bàn quận đã được ngăn chặn hiệu quả. Điều này đã góp phần giúp quận tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVIII và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Xác định 3 khâu đột phá trong phát triển

Với mục tiêu xây dựng Đống Đa tới năm 2030 trở thành quận đô thị xanh, thông minh, hiện đại được nêu tại Văn kiện Đại hội Đảng bộ quận Đống Đa lần thứ XXVIII, quận xác định 3 khâu công tác đột phá làm hạt nhân, động lực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của quận. Thứ nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong giai đoạn mới. Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông theo phân cấp. Thứ ba, phát huy mọi nguồn lực; tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội theo phân cấp; tăng cường quản lý đô thị, xây dựng bộ mặt đô thị đồng bộ, văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Để hoàn thành 3 khâu đột phá trên, quận Đống Đa xác định thực hiện phát triển kinh tế nhanh theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mai, công nghiệp - xây dựng. Phát triển kinh tế đạt mức tăng trưởng cao, bền vững, phù hợp với đặc điểm, tính chất đô thị. Ngoài ra, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, hiện đại, trật tự; sáng –xanh - sạch - đẹp và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, quận Đống Đa cũng xác định mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, triển khai quyết liệt trong việc đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị…
Quận Đống Đa đặt chỉ tiêu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành kinh tế từ 12 - 13%. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn quận: Dịch vụ, thương mại từ 64 - 65%; công nghiệp, xây dựng từ 35 - 36% (ước đạt). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của TP cuối nhiệm kỳ dưới 0,5%. Hàng năm kết nạp từ 260 - 280 đảng viên...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần