Nhưng ngày ấy, nhờ “ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa” như lời ghi chép của “Đại Việt sử ký toàn thư”, Chu Văn An đã mở trường dạy học Cung hoàng (hay còn gọi là Huỳnh Cung) ở cạnh quê nhà, học trò đầy cửa và đã thành nhân vật của huyền thoại. Do nền giáo dục quốc gia của triều đại nhà Trần đang suy thoái và có nhiều vấn đề, vua Trần Minh Tông muốn thay đổi tình hình đó nên đã đích thân triệu vời Chu Văn An vào triều để vừa trực tiếp dạy Thái tử vừa kiêm chức Tư nghiệp (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám (trường Đại học quốc lập hoàng gia).
“Học hải hồi lan tục tái thuần” là câu mở đầu bài thơ “Hạ tiều ẩn Chu Tiên Sinh bái Quốc tử tư nghiệp” (mừng Chu Tiên Sinh, hiệu Tiều Ẩn, được bổ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám) của đương chức Tể tướng Trần Nguyên Đán, nhân sự kiện Chu Văn An lên kinh đô nhận chức trọng – đã dùng cả đến câu “Thượng tường Sơn Đẩu đắc tư nhân” để ví sách thường thầy Chu như núi Thái Sơn và sao Bắc Đẩu, cũng là lời phát ngôn thay mặt cho cả triều đình về niềm kỳ vọng “Biển học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”.Nhưng Chu Văn An chỉ có được thời gian ngắn để tỏa ảnh hưởng như kỳ vọng của mọi người. Có thể nhắc đến, vai trò của thầy giáo Chu Văn An chính là người giáo dục, dạy dỗ cho vị hoàng đế đời thứ 6 nhà Trần - vua Trần Hiếu Tông. Mặc dù được truyền ngôi từ năm lên 10 tuổi nhưng vua Trần Hiếu Tông đoản mệnh, băng hà khi mới 23 tuổi. Thay Trần Hiếu Tông là vua Trần Dụ Tông. Đây là vị hoàng đế đời thứ 7 của triều đại nhà Trần, được chép gọn trong “Đại Việt sử ký toàn thư”: Trần Dụ Tông là người ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần làm trái phép nước.Trước tình hình chính sự này, Chu Văn An tuy chỉ là Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám nhưng đã từng là thầy dạy vua học, lại sẵn phẩm cách cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc và “kẻ (học trò) nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét, không cho vào gặp” – bèn vào cuộc đấu tranh bước đầu là chuyển vai trò từ quan Tư nghiệp sang làm quan Ngự sử, dùng lời lẽ để khuyên can vua. Nhưng Trần Dụ Tông không nghe. Vậy là Chu Văn An bùng nổ một hành động quyết liệt, dâng ngay sớ, xin chém 7 kẻ nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Khi đó, dư luận quần chúng và nơi quyền hành tối thượng gọi tờ sớ của Chu Văn An là “Thất trảm sớ”.Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã viết tiếp: “Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ từ quan mà về quê”. Lại là một hành động quyết liệt nữa khiến vua Trần Dụ Tông không thể làm ngơ. Nhà vua rõ ràng không nỡ xuống tay với những bề tôi là tay sai đắc lực và chung tính xấu với mình nhưng cũng không muốn mất một vị quan trung trực như Chu Văn An bèn nghĩ ra giải pháp dung hòa vuốt ve: Vua đem chính sự trao cho ông và còn sai thần đem quần áo ban cho ông. Chu Văn An không lay chuyển. Ông từ chối không nhận việc được trao thêm quyền cao chức trọng. Những quý phẩm vua ban, ông lạy tạ xong liền đem cho người khác.Về sau, vào thế kỷ thứ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” xem hành động dâng sớ chém nịnh thần, cáo quan trả mũ về nhà không nhận bổng lộc bó buộc có thể tôn vinh là bậc thánh cao nhất. Đến thế kỷ XIX, nhà sử học bách khoa Phan Huy Chú cũng nhận định: Ông Văn Trinh được thời bấy giờ suy tôn, đời sau ngưỡng mộ.
Tìm trong làng nho ở nước Việt từ trước tới nay chỉ có mình ông. Về hai chữ tước hiệu Văn Trinh của Chu Văn An được vua Trần Nghệ Tông trung phong, ý nghĩa của tước hiệu được giải thích trong bài văn bia đang được tạc dựng trên núi Phượng Hoàng (Chí Linh – Hải Dương) là nơi Chu Văn An ở ẩn lúc cuối đời, với khí phách cao vời vợi của người Thăng Long).