[Kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Chu Văn An] Tỏa sáng tấm gương mẫu mực, đạo đức của người thầy

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 650 năm (1370 - 2020) sau ngày mất của danh nhân Chu Văn An, Nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ vẫn luôn học tập tấm gương của người thầy có kiến thức uyên thâm, cương trực, thanh cao ấy. Hiện nay, nhiều trung tâm văn hoá, khoa học và các cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục tổ chức các lớp học, hoạt động để tri ân và tôn vinh người thầy giáo tiêu biểu của Việt Nam.

Các học sinh tham gia cuộc thi “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An”. Ảnh: Hà An
Danh nhân qua góc nhìn thế hệ trẻ
Tháng 6/2020, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học (VHKH) Văn Miếu - Quốc Tử Giám bắt đầu khởi động cuộc thi “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An” dành cho học sinh các trường học mang tên vị danh nhân văn hóa lớn của dân tộc. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 31 trường học, lớp vẽ tham gia (7 trường học các cấp mang tên thầy Chu Văn An tại Hà Nội).

Theo Ban Tổ chức, thông qua cuộc thi, học sinh cả nước đã sử dụng nhiều chất liệu đa dạng và độc đáo để diễn đạt bài thi của mình. Nhiều sản phẩm được các em ứng dụng công nghệ như: Phim hoạt hình, dựng clip bằng máy tính, smartphone. Đặc biệt, có sản phẩm được các em sử dụng những chất liệu giản dị, gần gũi với đời sống như gạo, hạt đậu, mảnh gốm sứ, giấy vụn. Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu: "Cuộc thi nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm ngày mất của danh nhân Chu Văn An – người được UNESCO tôn vinh là nhà giáo dục tiêu biểu của Việt Nam. Sự tham gia tích cực, nhiệt tình của nhiều trường học trên cả nước với số lượng tác phẩm lớn, ở đủ cả các loại hình và nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao là thành công của cuộc thi. Qua đó cho thấy, sự hiểu biết và tình cảm sâu sắc của thế hệ học sinh ngày nay với thầy Chu Văn An; khả năng sáng tạo và sự khéo léo, thông minh, dí dỏm của các em học sinh ở mỗi cấp học”.

Giáo viên bộ môn Văn học, trường THCS Chu Văn An (Thanh Trì, Hà Nội) Nguyễn Thu Huyền chia sẻ: “Nhà trường hưởng ứng tích cực cuộc thi và đã phát động tới toàn trường cùng tham dự. Mỗi khối chọn một tiết mục để gửi dự thi. Qua đó, các thầy cô giáo và học sinh nhà trường mong muốn tỏ lòng thành kính, kính dâng lên thầy giáo Chu Văn An, tri ân với thầy nhân kỷ niệm 650 ngày mất”.

Tưởng nhớ danh nhân

Với ý nghĩa tri ân các Nhà giáo Việt Nam và nhân dịp UNESCO cùng tổ chức kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An (1370 - 2020), Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức trưng bày chuyên đề: “Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu”. Trưng bày được thể hiện bằng những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, hình vẽ tiêu biểu. Theo Giám đốc Lê Xuân Kiêu: “Sự đa dạng trong hình thức thể hiện cùng với cách trưng bày hiện đại, những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, hình vẽ được diễn giải trong không gian mở, đăng đối tại nhà Tiền đường nhà Thái học - Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trưng bày giống như một cuộn tranh dẫn dắt người xem du ký ngược thời gian trở về với quá khứ cách đây hơn sáu thế kỷ. Trưng bày còn giới thiệu đến công chúng về Quốc Tử Giám - nơi thầy Chu Văn An đã từng dạy học và những địa điểm thờ, con đường, trường học mang tên thầy giáo Chu Văn An để thấy được sự suy tôn, ngưỡng mộ của hậu thế đối với ông”.

Trong dịp này, TP Hà Nội cũng đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, trang trí, triển lãm, cổ động trực quan kỷ niệm ngày mất của nhà danh nhân lớn của Việt Nam và thế giới. Lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất danh nhân Chu Văn An (1370 - 2020) được tổ chức vào ngày 20/11 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó, TP sẽ tổ chức Lễ dâng hương tại các địa điểm: Khu di tích đền thờ Chu Văn An (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) vào ngày 13/11; đền thờ danh nhân Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vào ngày 14/11.
Danh nhân văn hóa, thầy giáo Chu Văn An sinh năm 1292, người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn), xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, mất năm 1370, tại núi Phượng Hoàng, Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cuộc đời ông gắn liền với dạy học, làm thầy tại: Quê hương Thanh Liệt (Thanh Trì), Quốc Tử Giám và Chí Linh (Hải Dương). Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào ông luôn tỏa sáng là tấm gương mẫu mực về đạo đức, trí tuệ và tinh thần, trách nhiệm với đất nước. Sau khi ông mất đi, có 12 địa điểm thờ tự; tên ông được đặt cho 50 trường học, 33 đường, phố trải dài trên khắp các miền của đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần