70 năm giải phóng Thủ đô

Kỷ niệm 70 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 70 năm, ngày 23/9/1945, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, các lực lượng vũ trang (LLVT) cùng nhân dân Sài Gòn đã anh dũng đánh trả quân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Theo dõi chặt chẽ âm mưu và sớm dự đoán được thủ đoạn của thực dân Pháp sẽ đánh chiếm Nam Bộ, sau đó lần lượt mở rộng chiến tranh ra các địa bàn của cả nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo quân dân Sài Gòn và Nam Bộ chủ động chuẩn bị thực lực cách mạng về mọi mặt, trong đó tập trung xây dựng LLVT. Vừa giành được độc lập, Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ nhanh chóng nắm ngay lực lượng của Tổng công đoàn Nam Bộ, các tổ, đội vũ trang công nhân chuẩn bị kháng chiến.

Kinhtedothi - Cách đây 70 năm, ngày 23/9/1945, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, các lực lượng vũ trang (LLVT) cùng nhân dân Sài Gòn đã anh dũng đánh trả quân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa.

Theo dõi chặt chẽ âm mưu và sớm dự đoán được thủ đoạn của thực dân Pháp sẽ đánh chiếm Nam Bộ, sau đó lần lượt mở rộng chiến tranh ra các địa bàn của cả nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo quân dân Sài Gòn và Nam Bộ chủ động chuẩn bị thực lực cách mạng về mọi mặt, trong đó tập trung xây dựng LLVT. Vừa giành được độc lập, Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ nhanh chóng nắm ngay lực lượng của Tổng công đoàn Nam Bộ, các tổ, đội vũ trang công nhân chuẩn bị kháng chiến.

 
Dân quân cứu quốc Nam bộ luyện tập chuẩn bị kháng chiến. Ảnh tư liệu.
Dân quân cứu quốc Nam bộ luyện tập chuẩn bị kháng chiến. Ảnh tư liệu.
Trước âm mưu của thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Nam Bộ và sau đó xâm lược toàn bộ nước ta, Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ chỉ đạo di chuyển một số cơ quan và các đơn vị vũ trang tập trung, cùng những người già, phụ nữ, trẻ em từ nội thành ra vùng ven Sài Gòn. Trong nội thành, ta tổ chức 320 đội tự vệ chiến đấu, bố trí ở 16 khu vực tác chiến trọng điểm và phân công một số tiểu đội vũ trang tập trung đảm nhiệm tuần tra canh gác các công sở. Tại các tỉnh Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến và các cấp ủy Đảng tổ chức những đội du kích, tự vệ chiến đấu làm lực lượng nòng cốt giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ chính quyền cách mạng trước khi quân Pháp gây hấn quân sự ở Sài Gòn.

Để đối phó với đối tượng tác chiến mạnh hơn, ta chủ động chuẩn bị trước một bước về LLVT với trang bị vũ khí tuy còn thô sơ, nhưng được bố trí phù hợp ở nội và ngoại thành Sài Gòn. Vì thế, từ sáng 23 và ngày 24-9-1945, khi quân Pháp tiến công một số vị trí ở nội thành, các đơn vị tự vệ của công nhân, thanh niên tiền phong, cảnh sát xung phong và một số đội cảm tử quân đã anh dũng chiến đấu ngăn chặn địch. Nhiều trận đánh diễn ra quyết liệt ở các khu vực: Dinh Đốc Lý, đường Véc-đoong, trụ sở Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Cột cờ Thủ Ngữ, Khánh Hội, ga xe lửa, chợ Bến Thành, cầu Ông Lãnh, cầu Bông, chợ Bàn Cờ, cầu Kiệu, xóm Muối… tiêu hao sinh lực, ngăn chặn địch mở rộng đánh chiếm, góp phần cho ta khẩn trương di chuyển các cơ quan và cơ sở kháng chiến từ nội thành ra vùng ven Sài Gòn, sau đó chuyển ra vùng căn cứ tiếp tục kháng chiến.

Những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10-1945, quân và dân Sài Gòn cùng với các LLVT và nhân dân các tỉnh Nam Bộ thực hiện chủ trương trong đánh, ngoài vây. Ở nội thành, được một số đơn vị vũ trang từ các tỉnh Nam Bộ bí mật luồn vào phối hợp tác chiến, các đơn vị vũ trang ta phân chia thành nhiều tổ chiến đấu, áp sát, tạo thế bao vây, bất ngờ tiến công quân địch ở chợ Bến Thành, cầu Lái Thiêu, cầu Thị Nghè, Khánh Hội, Cầu Quay, nhà đèn Chợ Quán, nhà máy rượu… Nhờ vận dụng linh hoạt cách đánh tập kích, phục kích, quân ta đã ngăn chặn kịp thời, làm thất bại âm mưu mở rộng đánh chiếm thành phố của địch. Cùng thời gian này, các tầng lớp nhân dân nội thành triệt để không hợp tác với địch, khiến chúng bị cô lập, chỉ lo đóng giữ một số vị trí trọng yếu ở trung tâm thành phố.

Trong khi đó, tại vùng ven Sài Gòn, ta tổ chức thành 4 mặt trận (Đông, Bắc, Tây, Nam), bố trí LLVT tập trung và lực lượng tự vệ phòng thủ ở từng mặt trận, hình thành thế trận bao vây địch trong thành phố, từ Thị Nghè, Khánh Hội, cầu Bông, đến Rạch Cát, Phú Lâm, cầu Kiệu… nhằm ngăn chặn quân địch mở rộng đánh chiếm ra vùng ngoại thành. Dựa vào các mặt trận vòng ngoài, ta tổ chức từng bộ phận chiếm giữ các cầu ra vào nội thành, kiên quyết chiến đấu ngăn chặn không cho địch mở rộng đánh chiếm ra vùng ven, đồng thời ta tổ chức một số phân đội nhỏ luồn sâu vào nội thành, tập kích các cơ sở kinh tế, kho tàng, khu vực đóng quân của địch, sau đó nhanh chóng rút ra bên ngoài. Tại nội thành, các LLVT ta luôn tập kích vào các vị trí quân địch, khiến chúng không thể có thời gian củng cố và tổ chức lực lượng tiến công giải vây.

Trước đối tượng tác chiến là đội quân xâm lược nhà nghề, chiếm ưu thế về vũ khí trang bị cũng như trình độ tác chiến hiện đại, ta khó tổ chức những trận đánh tiêu diệt lớn quân địch, thì việc chủ động chuẩn bị và tổ chức bố trí các LLVT phù hợp, hình thành thế trận đánh địch ở cả nội thành và ngoại thành Sài Gòn là chủ trương đúng đắn, táo bạo của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến khi quân địch mở cuộc tiến công Sài Gòn, ta đã kịp thời tổ chức, sử dụng các LLVT thực hiện trong đánh, ngoài vây, trong ngoài cùng đánh khiến địch luôn phải lo đối phó và chịu một số thiệt hại.

Cuộc chiến đấu của các LLVT và nhân dân ta ở nội và ngoại thành Sài Gòn đã ghìm chân địch trong thành phố, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Nam Bộ cũng như quân dân cả nước có thời gian chuẩn bị thế và lực về mọi mặt để kháng chiến lâu dài khi chúng đẩy mạnh đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ và mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước.
 
Sáng 23/9, Thành uỷ – HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam TPHCM đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2015) với sự tham dự của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố, các Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Mẹ Việt Nam anh hùng, Lão thành cách mạng qua các thời kỳ và đông đảo các tầng lớp xã hội...

Để tái hiện lại khí thế hào hùng của những ngày Nam Bộ kháng chiến, Lễ kỷ niệm còn diễn ra chương trình văn nghệ với các ca khúc sống mãi theo thời gian như: Dấu chân phía trước, Lá cờ Đảng, Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Tình ca...

Trước đó, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo TPHCM... đã dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh để tưởng nhớ những công lao to lớn của Bác Hồ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Theo Công an TP HCM