Kỳ thi tay nghề Quốc gia 2018: Khẳng định tay nghề của thí sinh Việt Nam

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi tay nghề Quốc gia 2018 đang diễn ra sôi động tại 7 hội đồng thi, thu hút nhiều học sinh phổ thông đến tham quan và định hướng nghề nghiệp.

 TS Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)
TS Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết, học sinh, sinh viên (HSSV) học nghề có tỷ lệ việc làm rất cao; những trường đào tạo chất lượng cao, có ngành nghề trọng điểm hầu như 100% có việc làm.
Ông đánh giá gì về chất lượng của kỳ thi tay nghề quốc gia trong những năm gần đây?

- Kỳ thi tay nghề quốc gia được tổ chức từ năm 2000 để tuyển chọn thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN và kỳ thi tay nghề thế giới. Qua các kỳ thi chúng tôi thấy chất lượng cuộc thi tay nghề quốc gia ngày càng nâng cao. Chính vì vậy, thí sinh tham gia các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới đã đạt được những kết quả khá tốt. Đặc biệt, trong kỳ thi tay nghề ASEAN, chúng ta đã 3 lần đạt giải Nhất toàn đoàn. Trong khối các nước ASEAN, chỉ có Việt Nam và Thái Lan đạt được thành tích cao như thế.
Kỳ thi tay nghề thế giới, chúng ta thường đứng ở top khá. Chẳng hạn, năm 2006, đoàn Việt Nam đứng thứ 25 trên tổng số 56 nước tham dự và 2 năm gần đây chúng ta đều đạt Huy chương Đồng. Kết quả này khẳng định trình độ tay nghề của Việt Nam được cải thiện rất nhiều, vươn lên tầm ASEAN và thế giới.

Kỹ năng tay nghề và cơ hội việc làm của những HSSV học nghề, bước ra từ kỳ thi tay nghề như thế nào, thưa ông?

- Trong những năm qua, HSSV khối GDNN đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Chính vì thế, tỷ lệ những người học nghề ra trường có việc làm rất cao so với năm trước. Có những trường đào tạo chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm, hầu như 100% HSSV học xong có việc làm.

Những HSSV tham dự cuộc thi tay nghề quốc gia đã được lựa chọn rất kỹ từ cuộc thi tay nghề cấp trường, cấp sở, do đó các em có kỹ năng và kiến thức rất tốt và tiếp cận được những kỹ thuật mới, kiến thức mới trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Đối với những em sau khi đã đạt giải cao ở Kỳ thi tay nghề Quốc gia mà tiếp tục được lựa chọn để tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới, thì được luyện thi ở điều kiện công nghệ tốt nhất ở Việt Nam. Thậm chí, chúng ta cũng phải tìm kiếm, mua về những máy móc thiết bị được tổ chức ở kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới để tạo điều kiện cho các em ôn luyện đạt kết quả tốt.

Ở một số lĩnh vực, một số ngành nghề thí sinh còn được các DN có vốn đầu tư nước ngoài hỗ trợ kinh phí để tổ chức luyện thi. Thậm chí, thí sinh còn được đến đất nước của họ để ôn luyện trên những máy móc thiết bị hiện đại nhất. Chính vì vậy, những em nào có giải cao ở kỳ thi tay nghề ASEAN hay thế giới hoặc ít nhất có chứng chỉ xuất sắc là đã đạt đẳng cấp tay nghề khu vực, thế giới, rất dễ lựa chọn vị trí việc làm với mức thu nhập tốt.

Nhưng số thí sinh tham gia thi tay nghề quốc gia không nhiều so với số lượng HSSV trong hệ thống GDNN, làm sao có thể lan tỏa tinh thần của kỳ thi đến với họ?

- Kỳ thi tay nghề của quốc gia không chỉ mang tính chất lựa chọn thí sinh đi thi tay nghề ASEAN và thế giới, mà mục tiêu là lan tỏa kỹ năng, phương pháp, chất lượng của cuộc thi ra toàn hệ thống. Trước khi chúng ta tổ chức kỳ thi tay nghề cấp quốc gia thì phải có cuộc thi cấp trường, cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ, ngành.

Tất nhiên, ở các trường đã có luyện thi tay nghề giỏi để lựa chọn thí sinh có tay nghề xuất sắc tham gia vào cuộc thi cấp tỉnh, ngành, T.Ư. Do đó, thi tay nghề không chỉ lan tỏa đến tất cả các cơ sở GDNN trên phạm vi toàn quốc, mà từ đó các trường hoàn thiện lại chương trình, phương pháp dạy và học, đánh giá kỹ năng ở ngay nghề đó để có được bộ chương trình tốt hơn, phương pháp dạy tốt hơn cho HSSV.

Xin cảm ơn ông!