Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Cựu binh Hà Tĩnh

Ký ức hào hùng ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) là sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Với Cựu chiến binh (CCB) Đặng Quốc Khương, giờ phút phố phường Hà Nội rực rỡ cờ hoa, người người vỡ òa niềm vui, hạnh phúc mãi khắc sâu trong trái tim không bao giờ phai nhạt.

Cựu chiến binh Đặng Quốc Khương ở xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tự hào kể về Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội
Cựu chiến binh Đặng Quốc Khương ở xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tự hào kể về Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội

Những ngày mùa Thu lịch sử, CCB Đặng Quốc Khương (SN 1930 ở xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) bồi hồi trào dâng cảm xúc. Tiếp chuyện cùng chúng tôi, ông Khương cho biết, tháng 7/1950 lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội Công binh 240, thuộc Đại đoàn 312 đóng quân ở tỉnh Phú Thọ.

Sau thời gian học tập, huấn luyện, ông cùng đơn vị thực hiện nhiệm vụ xây dựng chỉ huy sở, bắc cầu, mở đường, rà phá bom mìn, vật cản của địch. Trong giai đoạn từ cuối năm 1950 về sau, ông trực tiếp tham gia chiến đấu, lập nên nhiều chiến công tại các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La và vinh dự được kết nạp Đảng (1952).

Quân đội Việt Nam nô nức tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trong niềm vui, tự hào của người dân (ảnh internet)
Quân đội Việt Nam nô nức tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trong niềm vui, tự hào của người dân (ảnh internet)

“Sau khi thất thủ ở các tỉnh biên giới, quân đội Pháp co cụm về Điện Biên. Lúc này, tôi lại cùng đơn vị tiếp tục hành quân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại đồi Him Lam, đồi Độc Lập, sân bay Mường Thanh…góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Gần như, những năm tháng sức trẻ, tuổi thanh xuân, tôi đã gắn bó với chiến trường các tỉnh phía Bắc cho đến ngày toàn thắng”, ông Khương tự hào cho biết.

Theo dòng cảm xúc, ông Đặng Quốc Khương chia sẻ, sau giải phóng Điện Biên và một số tỉnh phía Bắc, từng đoàn quân trong đó có Đại đoàn 312 hừng hực khí thế tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ngày 10/10/1954, tại các Cửa Ô và tất cả phố phường Hà Nội cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, người dân nô nức ra đường chào đón các chiến sĩ giải phóng. Thời khắc lịch sử tiếp quản, giải phóng Thủ đô mãi là ký ức đẹp trong tôi và tất cả cán bộ, chiến sĩ từng “nếm mật, nằm gai” trên khắp các chiến trường.

“Ngày giải phóng, người dân Hà Nội hân hoan vui mừng lắm. Từ cụ già, thanh niên đến các em nhỏ đều reo hò, vẫy tay lên cao chào mừng các chiến sĩ quân đội ta hàng ngũ chỉnh tề, trên ngực áo cài huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” ung dung đi qua các hàng tiêu binh và nhiều lô cốt Pháp. Hòa vào niềm vui, hạnh phúc của người dân, lúc đó tôi rất tự hào vì được đóng góp một phần sức lực của mình cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và đặc biệt là được tiến về Thủ đô Hà Nội, trái tim thân yêu của cả nước”, CCB Đặng Quốc Khương vui mừng kể lại.  

CCB Đặng Quốc Khương bên người con trai đầu là CCB Đặng Quốc Thái
CCB Đặng Quốc Khương bên người con trai đầu là CCB Đặng Quốc Thái

Sau giải phóng Thủ đô Hà Nội, Trung úy Đặng Quốc Khương tiếp tục phục vụ trong quân đội và làm Chủ nhiệm Công binh của Trung đoàn 165. Năm 1960, ông chuyển ngành về công tác tại mỏ sắt Trại Cau- Khu gang thép Thái Nguyên; năm 1963 được chuyển về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho đến lúc về hưu vào năm 1972. Trở về quê hương, với phẩm chất, cốt cách của người lính Cụ Hồ, CCB Đặng Quốc Khương tiếp tục gương mẫu tham gia nhiều phong trào, nhiều hoạt động ở địa phương, được mọi người tin yêu, quý trọng.

“CCB Đặng Quốc Khương luôn nêu cao tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, nhất là tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất làm đường giao thông, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra, ông còn giành tình cảm và nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực vì nghĩa tình đồng đội, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ”, ông Đặng Xuân Huấn- Chủ tịch Hội CCB huyện Cẩm Xuyên cho biết.

CCB Đặng Quốc Khương nêu cao tinh thần "Tuổi cao, gương sáng", tích cực tham gia xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở xã ven biển Cẩm Dương
CCB Đặng Quốc Khương nêu cao tinh thần "Tuổi cao, gương sáng", tích cực tham gia xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở xã ven biển Cẩm Dương

Những năm tháng trong quân đội và sau này, CCB Đặng Quốc Khương vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cùng nhiều danh hiệu thi đua cao quý. 94 tuổi đời, 73 năm tuổi đảng, ông Khương luôn phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, son sắt niềm tin với Đảng và mãi nhớ về Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội như một ký ức không thể nào phai.