Ký ức một thời hoa lửa và chặng đường phát triển của Thủ đô

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua những câu chuyện chân thực, sinh động của các nhân chứng lịch sử, ký ức về một thời hoa lửa hào hùng, thế hệ trẻ được truyền cảm hứng, từ đó có những đóng góp tích cực, phát huy sức trẻ trong công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước văn minh, giàu đẹp.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ngày 25/9, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tọa đàm, giao lưu gặp mặt nhân chứng lịch sử “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”, nhằm ôn lại những ký ức hào hùng, thời kỳ lịch sử vô cùng oanh liệt và vẻ vang của Thủ đô Hà Nội.

Quang cảnh tọa đàm, giao lưu gặp mặt nhân chứng lịch sử “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”
Quang cảnh tọa đàm, giao lưu gặp mặt nhân chứng lịch sử “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”

Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước

 

Tham dự tọa đàm có các diễn giả: nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học; PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội; nguyên Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Hà Nội Dương Thị Vịn; Nhà báo Phùng Huy Thịnh - Chủ tịch Hội Sinh viên chiến sĩ 6971; Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng; Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư; Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm Trần Kim Huyền, và các gương mặt trẻ tiêu biểu đại diện cho thanh niên Thủ đô.

Chia sẻ tại chương trình, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học khẳng định, ngày 10/10/1954 là sự kiện đặc biệt của Thủ đô và cả nước, được cả thế giới ngưỡng mộ. Sự kiện Giải phóng Thủ đô để lại rất nhiều bài học. Trước hết, sự kiện tiếp quản Thủ đô là cả quá trình, tiêu biểu cho vai trò đi đầu của Thủ đô với cả nước. Để tiến tới sự kiện tiếp quản Thủ đô, chúng ta đã trải qua cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm. Trước kẻ thù mạnh về lực lượng và vũ khí hiện đại, quân ta lực lượng ít, trang thiết bị thiếu thốn, Đảng ta đã quyết định rút lui về mặt chiến lược khỏi Thủ đô để củng cố lực lượng và chờ thời cơ với tinh thần “nhất định thắng lợi” và niềm tin “sẽ có ngày chiến thắng trở về”.

“Tôi cho rằng, đây là bài học rất to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đất nước. Với tinh thần khát vọng giữ nước, tinh thần đánh giặc trên tất cả các mặt trận đã làm nên sức mạnh tổng hợp và một chiến thắng vĩ đại, vinh quang được thế giới ngưỡng mộ” - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học chia sẻ.

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học chia sẻ tại tọa đàm
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học chia sẻ tại tọa đàm

Tại tọa đàm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong TP Hà Nội Dương Thị Vịn đã kể lại không khí sục sôi hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên Hà Nội. Cách đây 60 năm, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, được lên đường tham gia giải phóng dân tộc trở thành khát vọng của mỗi đoàn viên, thanh niên lúc bấy giờ. Nhiều lá đơn được gửi đến các cấp bộ Đoàn xin lên đường chiến đấu, trong đó nhiều lá đơn được viết bằng bằng máu.

Thấu hiểu tâm tư của thanh niên, ngày 9/8/1964, Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”: sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần. Đáp lại, thanh niên sục sôi khí thế xuống đường hô vang khẩu hiệu “Ba sẵn sàng”.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong TP Hà Nội Dương Thị Vịn chia sẻ tại tọa đàm
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong TP Hà Nội Dương Thị Vịn chia sẻ tại tọa đàm

Khi Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào "Ba sẵn sàng" năm 1964, bà Dương Thị Vịn mới 21 tuổi, là Bí thư Chi đoàn khối 49 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cùng nhiều đoàn viên, thanh niên ở các chi đoàn tập hành quân, quyết tâm vì miền Nam ruột thịt.

“Ngày tôi nhận được giấy lên đường đi thanh niên xung phong cũng là lúc nhận được giấy báo đi học đại học ở nước ngoài. Lúc đó, tôi cũng đắn đo, trăn trở nhưng nghĩ mình còn trẻ còn nhiều cơ hội phấn đấu. Bây giờ Tổ quốc đang cần thanh niên lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước, tôi đã được bố động viên, vui vẻ lên đường tham gia thanh niên xung phong” – bà Dương Thị Vịn kể lại.

Sống lại những ngày tháng lịch sử đầy tự hào

Nhà báo Phùng Huy Thịnh (SN 1953, quê gốc ở Gia Lâm, Hà Nội) xuất thân từ một chàng sinh viên khoa Văn của Đại học Tổng hợp. Tại tọa đàm, nhà báo Phùng Huy Thịnh chia sẻ: “khi được xem triển lãm ảnh về không khí "Ba sẵn sàng" của những năm 1960 - 1970 khiến chúng tôi như được sống lại những ngày tháng lịch sử đầy tự hào. Ngày 6/9/1971, gần 4.000 thầy trò của các trường cao đẳng, đại học ở miền Bắc xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Lúc ấy tôi đang là sinh viên năm thứ hai, Đại học Tổng hợp, đã khoác trên mình màu áo lính và chiến đấu trong Đại đội Trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị”.

Nhà báo Phùng Huy Thịnh chia sẻ tại tọa đàm
Nhà báo Phùng Huy Thịnh chia sẻ tại tọa đàm

“Những trận đánh đầu ở chiến trường Quảng Trị rất khốc liệt. Thế nhưng, vì phong trào "Ba sẵn sàng" ngấm vào máu, hàng vạn sinh viên vô cùng hăng hái. Chúng tôi - những thanh niên, sinh viên Hà Nội đã sống những năm tháng cực kỳ xứng đáng, đã sống hết mình” - Nhà báo Phùng Huy Thịnh xúc động chia sẻ.

Tháng 5/1974, nhà báo Phùng Huy Thịnh là một trong những phóng viên mặt trận đầu tiên tại Sư đoàn, bắt đầu sự nghiệp cầm bút giữa lửa đạn chiến trường. Hàng trăm chuyến tác nghiệp, có những chuyến ông phải đi vào sâu trong rừng Lào suốt nhiều ngày, có những chuyến tác nghiệp phải bám cả chiến dịch kéo dài vài ba tháng.

Mùa xuân 1975, nhà báo Phùng Huy Thịnh theo các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 trong chiến dịch giải phóng Huế, Ðà Nẵng; theo Lữ đoàn tăng 203 đánh tiên phong suốt từ Ðà Nẵng đến Phan Rang. Sau đó, ông ngồi trên xe của Thượng tá Lê Khả Phiêu tiến vào giải phóng Sài Gòn. Suốt dọc đường chiến dịch, người phóng viên, chiến sĩ trẻ đã viết rất nhiều bài báo về cuộc sống trận mạc, tường thuật các trận đánh... để ngay sau đó, cùng các đồng nghiệp ở Báo Chiến sĩ giải phóng làm số đặc biệt 30/4 và 1/5 in hàng vạn bản phát đến tận tay bộ đội và Nhân dân.

PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm
PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm

PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xúc động kể, nhà ông có 3 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (bà nội có hai con liệt sĩ, em dâu bà có chồng và con liệt sĩ; mẹ ông có chồng và con trai là liệt sĩ).

“Tôi bắt đầu ý thức về chiến tranh khốc liệt từ năm 1966, lúc đó tôi học lớp 7, máy bay Mỹ ném bom tại trường cấp 2 Thụy Dân, 30 bạn học cùng khóa với tôi mất, trong đó có 12 bạn nữ và cô giáo tôi lúc mất còn ôm một bạn học sinh nữ trong lòng. Năm 1970, tôi nhận thấy chiến tranh thực sự khốc liệt khi nhận được tin báo tử của anh trai tôi” - PGS.TS Phạm Quang Long xúc động chia sẻ.

Tự hào khi được sống, cống hiến cho Thủ đô

Điểm lại thành tựu của Thủ đô trong lịch sử, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Phạm Thanh Học nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; bị tổn thương mất mát rất nhiều nhưng Thủ đô đã vươn lên, vượt qua đau thương mất mát để luôn luôn xứng đáng với vị trí, vai trò trái tim của cả nước, trung tâm lớn về chính trị, văn hóa, kinh tế…

Ngày nay, Hà Nội đang phát triển lớn mạnh; chưa khi nào thành phố có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Gần đây nhất, bão Yagi gây ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội. Những hình ảnh từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất, tới các đoàn viên thanh niên trong phòng chống bão là tấm gương sống, tiếp bước tinh thần Ba sẵn sàng năm xưa.

“Những truyền thống hàng nghìn năm lịch sử, đặc biệt là trong 70 năm xây dựng và phát triển Thủ đô cần được thế hệ trẻ ngày nay hiểu, ghi nhớ, tự hào, giữ gìn và phát huy. Thanh niên Thủ đô phải biết tự hào vì mình là người Hà Nội, mình đang sống ở Hà Nội và xây dựng Thủ đô. Cá nhân tôi có lòng tin chúng ta sẽ xây dựng được Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh và đáng sống vì đây là trái tim của cả nước” - ông Phạm Thanh Học bày tỏ.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng đoàn viên, thanh niên tham dự tọa đàm
Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng đoàn viên, thanh niên tham dự tọa đàm

Theo PGS.TS Phạm Quang Long, hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều tin tức, có đúng có sai. Thế hệ trẻ cần nhận thức rõ ràng, nếu không xác định được ranh giới giữa đúng sai thì hành động dễ sai lệch.

“Tôi tin các bạn trẻ. Tuổi trẻ dũng cảm, dám nghĩ, dám làm. Đâu cần thanh niên có, đâu khó thanh niên đi đầu. Các bạn có bản lĩnh, khát vọng và quyết tâm nhưng để có được bản lĩnh cần có sự nhận thức sâu sắc qua năm tháng, sự dũng cảm vượt qua những hấp dẫn để sống đúng. Các bạn trẻ hiện nay có ưu thế hơn, nhưng tôi vẫn mong các bạn rèn luyện nhiều hơn, bản lĩnh hơn và ý thức công dân tốt hơn” - PGS.TS Phạm Quang Long nhắn nhủ.

Theo PGS.TS Phạm Quang Long, truyền thống là một phần tất yếu của cuộc sống. “Nhìn lại quá trình phát triển, tôi vẫn mong Hà Nội phát triển hơn nữa. Nhưng tôi tin, bền chí sẽ đi đến đích” - PGS.TS Phạm Quang Long nhấn mạnh.