Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ký ức những ngày không quên

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đêm 26/12/1972, máy bay B52 đã ném bom xuống phố Khâm Thiên, con phố đông đúc của trung tâm Hà Nội lúc thời bấy giờ.

Cách đây 50 năm, liên tục trong 12 ngày đêm, từ 18 - 30/12/1972, cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ với những “Pháo đài bay B52” hiện đại, tiên tiến bậc nhất cùng hàng trăm máy bay khác ném bom rải thảm xuống Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác ở miền Bắc Việt Nam.

Những năm tháng lịch sử

Đêm 26/12/1972, máy bay B52 đã ném bom xuống phố Khâm Thiên, con phố đông đúc của trung tâm Hà Nội lúc thời bấy giờ. Trận bom đã làm 287 người thiệt mạng, 290 người bị thương. Hơn 500 căn nhà bị phá hủy hoàn toàn, 1.200 căn nhà khác đã bị hư hại. Khắp khu phố Khâm Thiên là những hố bom, với lổn nhổn gạch, đất.

Bảo tàng Chiến thắng B-52 - nơi lưu giữ chiến tích hào hùng của 12 ngày đêm bão lửa. Ảnh: Minh An
Bảo tàng Chiến thắng B-52 - nơi lưu giữ chiến tích hào hùng của 12 ngày đêm bão lửa. Ảnh: Minh An

Trở lại phố Khâm Thiên những ngày này, dấu vết của chiến tranh có thể đã phai mờ nhưng lịch sử không thể lãng quên. Trước bức tượng Người mẹ bồng xác con tại Đài tưởng niệm trên phố Khâm Thiên không ngớt khói hương tưởng nhớ những người dân đã thiệt mạng vì bom B52 của Mỹ trong đêm 26/12 năm ấy, nhiều người lặng lẽ đến thắp hương trong nước mắt. “Có một gia đình trong nhà có 7 người, tập trung để đi sơ tán, không may bị ném bom chết hết cả nhà” - bà Nguyễn Thị Thoa, người dân ngõ Miếu Chợ, phố Khâm Thiên nhớ lại.

Không thể tưởng tượng, gần 90 tấn bom đã dội xuống Khâm Thiên, phủ kín một chiều dài hơn một cây số của con phố. Một khu dân cư quần thể đông đúc đã nằm trong vệt bom. Ông Vũ Xuân Trường - nguyên cán bộ công an khu phố Khâm Thiên, Hà Nội năm 1972 cho biết: “Tôi đứng từ giữa phố Khâm Thiên có thể nhìn sang tận hồ Thuyền Quang, trắng trơn, tàn khốc. Chỗ đài tưởng niệm là nhà 3 tầng 10 người ở. Bức tường được giữ lại để làm tưởng niệm trận B52”.

Không chỉ riêng con phố Khâm Thiên, sự khốc liệt của cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ có thể thấy được thông qua từ những hiện vật đang được trưng bày các bảo tàng. Đó là mảnh chuông vỡ, pho tượng gãy rời đầu của chùa Thượng Cát (Gia Lâm, Hà Nội) bị bom phá đêm 18/12/1972. Đó là những ống nhổ, bơm thụt, ống nghe của các y, bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai gãy méo tan nát. Đó là chiếc mũ vẫn còn vết đạn của công nhân Vũ Xuân Hòa, hy sinh khi bám trụ làm nhiệm vụ bảo vệ dòng điện tại Nhà máy Điện Yên Phụ sau trận đánh phá của máy bay Mỹ vào nhà máy ngày 21/12/1972…

Huyền thoại bầu trời

Sự tàn phá của B52 đặt dân tộc ta trước thử thách khốc liệt khi những ưu thế về lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự đều thuộc về đối phương. Song, với ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, trong 12 ngày đêm, quân và dân Hà Nội cùng các tỉnh, thành miền Bắc đã làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, gây chấn động toàn thế giới.

Trong chiến công của quân và dân Thủ đô 50 năm về trước có một lực lượng thật đặc biệt: “Đại đội bay đêm săn B52”. Đại đội này có ít người, nhưng chiến công mà họ lập được thật đáng tự hào. 50 năm qua, những phi công trẻ tuổi ngày nào giờ tóc đã bạc, lên chức ông nội, ông ngoại, an yên với cuộc sống thường nhật.

Nhà thơ, Đại tá phi công Nguyễn Công Huy sinh năm 1947 (quê huyện Thường Tín, Hà Nội), hiện ở Khu tập thể Quân đội, quận Thanh Xuân nguyên là Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 371, cựu phi công Đại đội bay đánh đêm (sau này là Phi đội 5).

Nhớ lại những kỷ niệm không quên về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Đại tá phi công Nguyễn Công Huy kể: “Trong suốt 12 ngày đêm tháng 12/1972, chúng tôi chỉ bay đêm. Không quân Mỹ thời điểm đó xác định MiG21 của ta là đối tượng chính cần phải tiêu diệt. Vì thế, trước khi rầm rộ mở cuộc tập kích trên bầu trời Hà Nội, đêm 18/12, Mỹ cho máy bay ném bom đánh phá hàng loạt sân bay của ta”.

Trong khi tất cả các sân bay của ta đều bị đánh phá thì đã có những chuyến cất cánh rất “độc” và “lạ”, không hề có trong sách vở, ví dụ như cất cánh bằng đường ngang, đường lai dắt máy bay. Để hoàn thành được nhiệm vụ đánh đêm, tất cả các phi công bằng mọi giá phải đưa được máy bay lên trời, sau đó nếu không thể hạ cánh được thì nhảy dù hoặc hạ cánh vào hố bom.

Phi công Nguyễn Khánh Duy nhớ lại: “Đường cất cánh chỉ lớn hơn đường quốc lộ một chút, hàng đèn cất cánh là đèn dầu và chỉ có một bên. Đường băng thì xoắn, chúng tôi được học chiêu thức “cất cánh tiết kiệm đường băng”. Chuyến đó, tôi cất cánh thực hiện nhiệm vụ thành công mà Sở Chỉ huy giao, lúc về hạ cánh tại sân bay Nội Bài”.

Mặc dù nhiều sân bay bị phá hủy nhưng do ngay từ đầu ta đã ở thế chủ động nên ngay sau khi các đường băng bị ném bom, chúng ta đã nhanh chóng sửa chữa. Trong suốt 12 ngày đêm, không quân của ta vẫn cất cánh, không ở sân bay này thì ở sân bay khác.

50 năm sau Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Hà Nội đã và đang không ngừng đổi thay, phát triển. Những khu phố, nhà ga, bệnh viện, trường học từng bị ném bom tàn phá năm xưa giờ đã trở thành những công trình khang trang, hiện đại. Những ký ức về chiến tranh như một khoảng lặng tôn nghiêm, nhắc nhở chúng ta về một giai đoạn không quên của lịch sử.