Đó là thời gian khó nhưng cũng mang đặc trưng riêng của nhịp sống bao cấp. Tác giả Nguyễn Xuân Tùng đã rút ruột viết nên những dòng suy nghĩ, kể những câu chuyện mà ông đã sống và trải nghiệm.
Chắc hẳn những người sinh ra ở Hà Nội trong thập niên 60 của thế kỷ trước đều không thể quên được ký ức về một thời niên thiếu với hai lần “đi sơ tán” về các miền quê để tránh bom Mỹ, hay những năm tháng đến trường với chiếc mũ rơm và những cửa hàng mậu dịch gắn với ô “tem phiếu” xanh đỏ.
“Tem phiếu” và “mũ rơm” là hai biểu tượng nói về cả một thời lịch sử gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng. Bằng lối kể tự sự, nhà văn Nguyễn Xuân Tùng đã phác họa nhiều góc nhìn và cảm xúc đầy lãng mạn của những cậu bé phải sống trong chiến tranh, trong thời bao cấp. "Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu" đã gom góp lại ký ức của một cậu bé Hà Nội cũ về những khó khăn, gian khổ của ngày đi sơ tán, niềm hạnh phúc với chiếc mũ rơm hay sự khó hiểu về những chiếc tem phiếu.
Khi kinh tế thị trường phát triển, cuộc sống đầy đủ hơn, dường như con người ta lại hay tìm về những điều xưa cũ để được sống với những hoài niệm. Chính vì thế, ký ức về những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước trong “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” tràn về ào ạt, hiện ra trong cuốn sách với thời thế và con người, với Bờ Hồ và tiếng rao kẹo kéo, với những hàng cây, sông hồ, với tàu điện leng keng...
Nhận xét về cuốn sách, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng, Xuân Tùng đã rất ý thức viết những câu chuyện cũ không phải của riêng bản thân mình mà là của cuộc đời mình, gia đình mình, dòng họ nhà mình. Cái quan trọng là nhà văn đã mang toàn bộ cuộc đời của mình như một dòng sông chảy ào ạt bốn bề vào trong tác phẩm.
Không chỉ làm sống lại ký ức của những người đã từng trải nghiệm qua thời bao cấp, "Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu" còn mở ra cho người đọc một cánh cửa đến với Hà Nội rất khác, vẫn đong đầy lòng người nhưng vất vả hơn và cũng nhiều điều vương vấn hơn.