70 năm giải phóng Thủ đô

Kỳ vọng đầu tư công tăng tốc trong 6 tháng cuối năm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 rất lớn song vẫn có niềm tin để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra. Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia đang được tập trung triển khai.

Những chuyển động tích cực

Tính đến ngày 30/6, giải ngân vốn đầu tư công đạt 215.579 tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này theo Bộ KH&ĐT, đã có sự chuyển biến tích cực. Cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ đạt được là 27,75%. Về số tuyệt đối, cũng cao hơn tới trên 65.163 tỷ đồng so với số vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đã giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2022.

Hiện đã có 9 bộ, cơ quan T.Ư và 32 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 30% kế hoạch, trong khi 39 bộ, cơ quan T.Ư và 12 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 20% kế hoạch.

Một số cơ quan T.Ư, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (43,49%), Tiền Giang (56,65%), Đồng Tháp (53,26%), Long An (53,11%)...

Thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: Phi Long
Thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: Phi Long

Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2023 số vốn đầu tư công khá lớn khoảng 711.000 tỷ đồng, từ nay đến cuối năm giải ngân phải lên tới trên 500.000 tỷ đồng theo kế hoạch Thủ tướng giao. Bộ KH&ĐT đánh giá, là áp lực rất lớn, song vẫn có niềm tin để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra.

“Từ nay đến cuối năm rất nhiều dự án lớn, trọng điểm về giao thông được khởi công. Bên cạnh đó, cần phải nhắc đến điểm thuận lợi là vừa qua Quốc hội đã có quyết nghị tháo gỡ cho giải ngân vốn đầu tư công cũng như cho phép tiếp tục giao nguồn vốn trung hạn vào các dự án chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, từ đó sẽ tạo điều kiện có thêm dự án để có thể triển khai đến cuối năm” - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các dự án trọng điểm

Đầu tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 50, trong đó yêu cầu các địa phương lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng tháo gỡ khó khăn cho DN cùng các dự án đầu tư, nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng sau đó cũng ký công điện gửi các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, điều kiện kinh doanh, về thanh khoản ngân hàng, về nợ và thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ DN.

 

Đầu tư công không thể phát huy kết quả lập tức mà phải có độ trễ khoảng 3 - 4 tháng để thấy được sự chuyển biến rõ rệt. Quan trọng là các cấp lãnh đạo đã đứng dậy, bộ máy đã bắt tay vào việc thì từng đầu việc sẽ được giải quyết, tạo hiệu quả trong tương lai.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân

 

Liên tiếp sau đó, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng dẫn đầu thường xuyên trực tiếp đến các công trình trọng điểm để đôn đốc tiến độ, tháo gỡ khó khăn, đồng thời tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với các DN thuộc tất cả lĩnh vực để lắng nghe, cùng DN tìm cách bước qua giai đoạn khó khăn này.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tập trung triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Trong đó, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7km; tháng 6/2023 khởi công đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Hà Nội; thúc đẩy tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ngoài ra, hoàn thành, đưa vào sử dụng 310km đường bộ cao tốc (các tuyến: Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Phan Thiết - Vĩnh Hảo) và một số tuyến đường bộ ven biển (Quảng Ninh, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định).

Về thủ tục đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đến nay đã phân cấp, phân quyền triệt để, giao hết quyền cho bộ, ngành, địa phương từ lựa chọn, lập dự án, chuẩn bị dự án, giải ngân, giải phóng mặt bằng, đấu thầu…

Về góc độ quản lý thanh toán vốn, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Dương Bá Đức cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư 96/2021/TT-BTC quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán. Tại nghị định và thông tư đã cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, các nhà thầu.

Vụ trưởng Vụ Đầu tư Dương Bá Đức khẳng định, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ có sự bứt phá 2 quý còn lại, khi các tồn tại, vướng mắc dần được tháo gỡ. Bên cạnh đó, việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục được thực hiện nghiêm túc và là tiêu chí để bình xét thi đua khen thưởng cho các cấp, các ngành.

“Từ năm 2021 đến nay hầu hết tiến độ giải ngân của các năm gần đây cơ bản đạt hơn 90%. Đó là cơ sở để có niềm tin năm 2023 giải ngân tối thiểu đạt 95% trong tổng kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao”- ông Đức kỳ vọng.

Quyết liệt luân chuyển vốn, tăng trách nhiệm trong thực hiện đầu tư công

Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân; kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các dự án còn khối lượng giải ngân lớn, đặc biệt trong công tác giải ngân vốn giải phóng mặt bằng để giải ngân thêm tối đa nguồn vốn đã được giao.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong năm 2023, TP đã thực hiện việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển theo đúng quy định. HĐND TP đã quyết nghị tập trung đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm; công tác giải phóng mặt bằng; tăng trách nhiệm người đứng đầu.

Đáng chú ý, TP sẽ điều chuyển vốn từ các dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, các dự án chậm triển khai, giải ngân, không khắc phục được các vướng mắc sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn. Ước tỷ lệ giải ngân cả năm 2023 của TP sẽ đạt trên 95%.

Với TP Hồ Chí Minh, theo kế hoạch chi tiết giải ngân của các dự án được các chủ đầu tư xây dựng, dự kiến đến hết năm 2023 đạt tỷ lệ giải ngân từ 95% trở lên, trong đó sẽ tăng tốc giải ngân tăng vào những tháng cuối năm.

Vụ Đầu tư đang phối hợp với Cục Tin học, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) xây dựng phần mềm về quản lý thanh toán vốn công khai. Khi phần mềm này được triển khai, hằng tháng Vụ Đầu tư sẽ công khai các dự án của các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được, từ đó sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biện pháp luân chuyển vốn, chứ không để tình trạng vốn chờ công trình.

 

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thường tập trung vào các tháng cuối năm. Nhiều dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã xong về thủ tục, quy trình sẽ tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công những tháng còn lại; góp phần thúc đẩy tổng cầu và lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý III và của cả năm nay.
Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng - Tổng cục Thống kê Phí Hương Nga

 

Đầu tư công là điểm sáng của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2023. Dù chưa ghi nhận đột phá nhưng phải công nhận đang có một bầu không khí khẩn trương, quyết liệt được triển khai xuyên suốt từ T.Ư tới địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, "ở đâu người đứng đầu quan tâm nắm bắt tình hình, sát sao chỉ đạo, ở đó công việc được triển khai hiệu quả".