Việc khó nhưng phải làm
Giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè là một vấn đề nan giải tại nhiều TP lớn ở Việt Nam như Hà Nội. Vỉa hè thường bị sử dụng sai mục đích, trở thành nơi kinh doanh, bày bán hàng hóa hoặc để phương tiện giao thông, gây khó khăn cho người đi bộ. Mặc dù chính quyền đã triển khai nhiều chiến dịch để lập lại trật tự vỉa hè, tình trạng này vẫn tái diễn do nhận thức, thói quen của người dân và thiếu quản lý từ cơ quan chức năng.
Hà Nội đã không ít lần mở chiến dịch “lập lại trật tự vỉa hè” nhưng chưa giải quyết ổn thỏa bởi nhiều nguyên nhân. Hiện vỉa hè là nguồn sống của một bộ phận người dân lao động, việc họ lấn chiếm xuất phát từ bài toán kinh tế, chứ không đơn thuần là vi phạm quy định pháp luật.
Với những người có thu nhập thấp, lao động nghèo, không có đủ khả năng tài chính để thuê mặt bằng hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp nên đành bám vào chiếm vỉa hè để gia tăng nguồn sống.
Rồi một bộ phận cư dân nhà mặt phố, coi vỉa hè là “của riêng”, họ sử dụng không gian vỉa hè làm chỗ để xe hoặc bày biện cây cảnh… Một nguyên nhân nữa là thiếu cơ chế quản lý và chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Thực tế, việc xử lý vi phạm thường không nhất quán và thiếu tính răn đe. Khi cơ quan chức năng xuất hiện, họ lập tức thu dọn vật dụng để tránh bị xử lý, nhưng ngay khi lực lượng chức năng rời đi, tình trạng lấn chiếm tái diễn.
Trong 2 năm trở lại đây, Hà Nội nỗ lực thực hiện một chiến dịch lớn nhằm lập lại trật tự vỉa hè. Có thể nói, với sự ra quân đồng bộ, quyết liệt từ trên xuống dưới, về cơ bản, nhiều khu vực đã có sự chuyển biến tích cực. Bộ mặt đô thị thêm phần khang trang, người đi bộ có lối đi riêng…
Đáng chú ý, Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Căn cứ theo kết quả khảo sát tại 273 tuyến phố, 468 đoạn tuyến và 899 hè phố, Tổ soạn thảo Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội đã đề xuất 9 mô hình áp dụng với vỉa hè có bề rộng mặt cắt từ tối đa 1,5m đến hơn 7,5m để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị, tạm trông giữ phương tiện giao thông.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra 6 tiêu chí khai thác sử dụng lòng đường, vỉa hè… Dự kiến trước mắt sẽ thí điểm tại địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Bàn về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Đình Thu nhìn nhận, việc tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả, công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP.
Dẫn chứng về việc này, ông Nguyễn Đình Thu thông tin, phố Quang Trung trước đây khi vẫn là đường một chiều chỉ có 17 cơ sở kinh doanh ăn uống. Nhưng từ khi được điều chỉnh thành đường 2 chiều, nhiều DN, cơ sở kinh doanh đã về đây hoạt động. Từ đó, trên tuyến phố này đã có 48 cơ sở kinh doanh đồ ăn, nước giải khát… khiến công tác quản lý trật tự đô thị gặp không ít khó khăn.
Đồng bộ các giải pháp
Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP Hà Nội là hết sức cần thiết, cần sớm được triển khai thực hiện, đặc biệt là tại quận lõi của Thủ đô – nơi mà hạ tầng đô thị đang trong giai đoạn quá tải. Việc sớm triển khai mô hình cho thuê, sử dụng tạm hè phố làm nơi kinh doanh sẽ bảo đảm được đời sống của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho công tác quản lý lòng đường, vỉa hè…
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Ngô Ngọc Phương
Rõ ràng, để giải quyết triệt để vấn đề lấn chiếm vỉa hè, thực hiện một phần chủ trương phát triển kinh tế đô thị, cần phải có một loạt giải pháp đồng bộ và khả thi.
Thứ nhất, tất cả cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể thực hiện tăng cường công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, đa dạng để nâng cao ý thức của cộng đồng đối với việc sử dụng vỉa hè.
Thứ hai, thực hiện kiểm soát và quản lý nghiêm ngặt. Để làm được, lực lượng chức năng chuyên trách phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý tất cả các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Việc xử phạt nên được thực hiện nghiêm minh và công khai, nhằm răn đe những hành vi vi phạm.
Thứ ba, xây dựng, quy hoạch hợp lý. Điều này nhằm giảm bớt áp lực lên vỉa hè. Khi có quy hoạch, các cơ quan chức năng cần thực hiện quy hoạch không gian đô thị một cách bài bản, trong đó chú trọng tới việc tính toán chỗ để xe, khu vực bán hàng mà không ảnh hưởng đến không gian đi bộ.
Thứ tư, có các chính sách hỗ trợ cho những người bán hàng rong như: đào tạo nghề, cung cấp nơi buôn bán chính thức với chi phí hợp lý hoặc cung cấp vốn vay ưu đãi để họ có thể mở cửa hàng kinh doanh hợp pháp. Điều này giúp giải quyết vấn đề mưu sinh của những người nghèo, đồng thời hướng họ ra khỏi việc lấn chiếm vỉa hè.
Về một số cơ chế, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm rõ cơ chế thu phí, cho thuê vỉa hè. Trong đó, cần làm rõ đơn vị nào sẽ đứng ra cho thuê, trách nhiệm của người thuê ra sao? Việc sử dụng kinh phí ra sao? “Theo quan điểm của tôi, nên để nguồn kinh phí đó ở lại địa phương để hỗ trợ lực lượng tự quản trong công tác thực thi nhiệm vụ duy trì công tác bảo đảm trật tự đô thị” – ông Nguyễn Xuân Tân nói.
Nhiều chuyên gia cho biết, việc quản lý và duy trì vỉa hè Hà Nội thông thoáng, văn minh không chỉ phụ thuộc vào chính quyền mà còn vào ý thức và hành động của từng người dân. Chỉ khi nào cả cộng đồng cùng đoàn kết thực hiện những giải pháp trên, vỉa hè Hà Nội mới có thể trở thành không gian sử dụng tiện lợi và văn minh như nó từng có trong quá khứ.
Từ nhiều năm nay, buôn bán kinh doanh trên vỉa hè đã trở thành một nét văn hóa của Thủ đô. Tuy nhiên, ở bất cứ giai đoạn, thời điểm nào, việc tổ chức kinh doanh trên vỉa hè vẫn phải bảo đảm nguyên tắc lòng đường, vỉa hè ưu tiên mục đích giao thông, phải bảo đảm diện tích cho người đi bộ. Đối với khu vực lòng đường khi tiến hành cho phép xe ô tô dừng đỗ, các cơ quan chức năng cần lưu ý phần đường còn lại tối thiểu 2 làn đường dành cho xe ô tô, bảo đảm kết cấu chịu lực của lòng đường, vỉa hè. Rà soát thực trạng, đánh giá tác động của việc cho thuê đối với những khu vực xung quanh; khuyến khích cấp phép các hoạt động, khu vực được tổ chức kinh tế ban đêm… - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận