Kinhtedothi - Trong lúc thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức về chính trị, ngoại giao, kinh tế..., các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 diễn ra từ 5 - 11/11 tại Bắc Kinh, Trung Quốc là cơ hội để giới chức khu vực bàn thảo các biện pháp nhằm "Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương".
Công bố “bản đồ lộ trình”thành lập FTAAP
Không chỉ có lợi thế khi chiếm tới 40% dân số thế giới, 57% GDP toàn cầu và 48% thương mại thế giới, APEC còn là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất, tiềm lực lớn nhất và hợp tác sôi động nhất trên thế giới, dẫn dắt sự phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu. Trong những năm qua, vị thế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương không ngừng được nâng cao, nhưng đồng thời cũng đối diện với nhiều thách thức. Vì thế, trong khuôn khổ của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22, lãnh đạo các quốc gia thành viên tập trung thảo luận về 3 vấn đề chính: Thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực, đẩy mạnh phát triển, cải cách và tăng trưởng kinh tế; Tăng cường trao đổi, liên kết toàn diện; Xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tối 9/11. Ảnh: TTXVN
|
Tại Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 26 diễn ra hôm 7 - 8/11, các đại biểu thống nhất cho rằng, trong bối cảnh các nước thành viên APEC ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, APEC cần tập trung vào việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, cải cách kinh tế và tăng trưởng. Các bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và nhất trí khuyến nghị lên các nhà Lãnh đạo APEC thông qua Lộ trình đóng góp của APEC hướng tới hình thành FTAAP. Theo một nghiên cứu được Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) công bố, nếu được thông qua, FTAAP sẽ đóng góp cho kinh tế toàn cầu khoảng 2.400 tỷ USD và mở ra cơ hội hợp tác, tăng trưởng giữa các nền kinh tế thành viên
Việt Nam - mắt xích quan trọng của APEC
Ngày 9/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo APEC và các hội nghị liên quan tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 9 - 11/11, theo lời mời của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo chương trình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài phát biểu chính tại phiên 9 của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014 về "Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, hạ tầng cơ sở và chính sách" và chủ trì một nhóm đối thoại với đại diện của các doanh nghiệp lớn trong khu vực tại Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC và Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC.
Trước đó, tại phiên toàn thể thứ nhất Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 26 diễn ra hôm 7/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh hợp tác và liên kết tiếp tục là xu thế chủ đạo, song tình hình quốc tế và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, cục diện quốc tế hiện nay vẫn đang trong giai đoạn định hình. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị các nước thành viên APEC cần tiếp tục nỗ lực tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, đề cao trách nhiệm đối với các mối quan tâm và lợi ích chung, bảo đảm nguyên tắc cùng có lợi, quan tâm thỏa đáng nhu cầu phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, liên kết và phát triển của khu vực. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam ủng hộ những quyết định quan trọng của Hội nghị lần này nhằm định hướng cho liên kết của APEC, đặc biệt về kết nối toàn diện, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hình thành FTAAP. Cùng với các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện cũng như triển vọng triển khai 15 hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết rộng lớn với hầu hết các trung tâm, các nền kinh tế then chốt, trong đó có 18 nền kinh tế thành viên APEC. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các thành viên APEC nỗ lực nâng tầm liên kết khu vực và đề cao vị thế của Diễn đàn trong một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và thịnh vượng.
Với sự khác biệt về lợi ích giữa các thành viên APEC khiến nhiều nhà quan sát lo ngại một số thỏa thuận tại Hội nghị cấp cao lần này như "Tuyên bố các nhà lãnh đạo" và "Tuyên bố riêng về kỷ niệm 25 năm thành lập APEC"... sẽ có sự điều chỉnh theo hướng giảm các mục tiêu tham vọng. Tuy nhiên, trong sự kiện trọng đại đánh dấu cột mốc 25 năm hình thành APEC, Hội nghị tại Bắc Kinh lần này đã mở ra những kỳ vọng định hình tương lai khu vực với những mối quan hệ, hợp tác được mở rộng và phát huy hiệu quả.