Kinhtedothi - Tại buổi họp báo Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính năm 2015 diễn ra sáng 15/9, Bộ VHTT&DL cho biết, không chỉ xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tại buổi họp báo Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính năm 2015 diễn ra sáng 15/9, Bộ VHTT&DL cho biết, không chỉ xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Bộ còn chủ trương tổ chức nhiều hoạt động quảng bá hát then, đàn tính tại các cuộc giao lưu văn hóa các nước, tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”...
Theo ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang: “Việt Nam đã có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, nếu được công nhận, hát then, đàn tính là di sản thứ hai (sau cồng chiêng Tây Nguyên) thuộc sở hữu của đồng bào dân tộc ít người và là di sản đầu tiên của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc được thế giới vinh danh”. Hơn nữa, hiện nay, khi hát then, đàn tính đang hiện hữu tại 17 tỉnh, thành phía Bắc, được người dân đam mê và lưu truyền khiến các đơn vị quản lý có động lực quyết tâm cho cuộc đua đệ trình UNESCO vào năm sau.
Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính lần thứ V năm 2015 là cuộc tụ hội của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nghệ nhân sở hữu di sản, để chuẩn bị cho giai đoạn trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 2016. Liên hoan diễn ra trong 3 ngày (24 - 26/9). Lễ khai mạc Liên hoan diễn ra tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Tuyên Quang lúc 20 giờ ngày 25/9. Ngoài ra, nghệ nhân, diễn viên các tỉnh giới thiệu các thể loại hát, múa then, đàn tính trong 2 ngày 25 và 26/9 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tuyên Quang; Triển lãm Di sản văn hóa then Tày, Nùng, Thái Việt Nam, giới thiệu các hiện vật, sản phẩm về nghệ thuật hát then, đàn tính.
Trong khuôn khổ Liên hoan còn diễn ra hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”. Tại hội thảo sẽ có các bài tham luận của các chuyên gia người Australia, Malaysia, Anh… nghiên cứu về di sản hát then, đàn tính. Thực tế, cách đây 3 năm, tại Lạng Sơn, cũng trong khuôn khổ của Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính đã diễn ra một cuộc hội thảo bàn về giải pháp bảo tồn di sản. Tuy nhiên, thời kỳ đó, các chuyên gia mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá nhìn nhận trong tầm quốc gia.
Hồ sơ hát then mà Việt Nam đăng ký trình UNESCO ở 2 loại hình là nghi lễ, lễ hội (tập trung ở các nghi lễ then cổ truyền) và nghệ thuật trình diễn dân gian. Ông Phan Đình Tân - người phát ngôn Bộ VHTT&DL chia sẻ: “Thời gian tới, Bộ yêu cầu bổ sung thông tin, hình ảnh để giới thiệu rộng hơn nữa di sản then đến bạn bè quốc tế, thông qua các dịp xúc tiến, quảng bá hình ảnh, các ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài”.
Một tiết mục hát then tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Huy
|