Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng nông sản ĐBSCL 'cất cánh' nhờ trung tâm liên kết 

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ có vai trò gắn kết 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Trung tâm được kỳ vọng giải bài toán về những điểm nghẽn của nông sản ĐBSCL.

ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và trong giao thương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiểu vùng sông MêKông. Đây cũng là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước khi đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thuỷ sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu.

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng đô thị. Mặc dù là vùng trọng điểm nông nghiệp nhưng quy mô sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ; hạ tầng giao thông và logistics thiếu và yếu; nguồn lao động có tay nghề qua đào tạo còn thấp, các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản để tạo ra giá trị gia tăng chưa thực sự nhiều.

Chính những vấn đề này đã làm giảm sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của các địa phương trong vùng, nông sản vẫn chưa phát huy hết thế mạnh vốn có.

Việc thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ĐBSCL tại Cần Thơ được kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối của chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh cho toàn vùng. 
Việc thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ĐBSCL tại Cần Thơ được kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối của chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh cho toàn vùng. 

 4 điểm nghẽn nông sản của ĐBSCL

Tại diễn đàn kinh tế thường niên TP Cần Thơ năm 2023 vừa qua, nhiều đại biểu đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế của tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), trong những thế mạnh của ĐBSCL là lúa gạo, thủy sản và trái cây đang có những lợi thế, bất lợi cần nhìn nhận rõ.

Cụ thể, 4 điểm nghẽn nông sản của ĐBSCL đang gặp phải, gồm: Điểm yếu về hạ tầng giao thông và logistics; lực lượng lao động thiếu tay nghề; công nghệ chế biến ở ĐBSCL đang thiếu những doanh nghiệp có quy mô, đầu tư lớn để tạo ra sản phẩm gia tăng để tiêu thụ, xuất khẩu và vùng ĐBSCL đang thiếu cơ chế để thúc đẩy ưu đãi, ưu tiên cho lĩnh vực cho công nghiệp chế biến.

“Cả ĐBSCL nông nghiệp rộng lớn nhưng chúng ta chưa có một trung tâm thực thụ nào, do vậy mà việc xây dựng từng bước, từng giai đoạn là việc cần thiết. Khi giai đoạn một 50 hecta mà chúng ta sẽ triển khai chúng ta sẽ thấy được những hạn chế, thì những giai đoạn sau quy mô rộng hơn thì chúng ta khắc phục những điểm này” - ông Nguyễn Phương Lam nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, công nghiệp chế biến là khâu yếu nhất của chuỗi sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản, thậm chí “giậm chân tại chỗ”. Do đó, phải mở rộng đầu tư vào công nghiệp chế biến để phát huy vai trò trong chuỗi, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu.

Bên cạnh đó, mối liên kết trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn thiếu bền vững, tình trạng huỷ bỏ cam kết vẫn xảy ra khi giá cả thị trường biến động về cả hai phía người sản xuất và người tiêu thụ.

Với chức năng liên kết tiêu thụ, chế biến, Trung tâm sẽ thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Với chức năng liên kết tiêu thụ, chế biến, Trung tâm sẽ thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Gỡ “điểm nghẽn” để nông sản ĐBSCL cất cánh

Theo Giám đốc VCCI Cần Thơ, để giải quyết những vấn đề trên cần phải triển khai nhanh các Nghị quyết, đề án, chương trình để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tập trung đầu mối về Trung tâm sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.

Đồng thời, xây dựng sản phẩm chủ lực trong chiến lược dài hạn; quy tụ các doanh nghiệp về Trung tâm chế biến, sản xuất nông sản; chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp. Khi giải quyết được vấn đề thì người dân, hợp tác xã sẽ an tâm sản xuất, nông sản ổn định đầu ra còn doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Điểm cốt lõi lớn nhất hiện nay tại Cần Thơ là chưa thu hút được các doanh nghiệp chế biến.Vì thế, TP Cần Thơ cần quy tụ các doanh nghiệp chế biến thành trung tâm chế biến, sản xuất nông sản”, ông Nguyễn Phương Lam nêu giải pháp.

Một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra để giải bài toán “nghẽn” nông sản ĐBSCL là liên kiết vùng. Chia sẻ về vai trò của liên kết, bà Trương Thị Lan – Trưởng phòng, Phòng Chính sách Xúc tiến Thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, liên kết kinh tế, liên kết nội vùng được xác định là giải pháp, chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo đó, liên kết vùng không chỉ giúp tăng cường lợi thế cạnh tranh của vùng mà còn tạo điều kiện phát huy những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Cụ thể, đối với người chế biến và tiêu thụ, liên kết với người sản xuất nông sản để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng tốt... tạo điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả các hoạt động chế biến và tiêu thụ nông sản.

Thực hiện liên kết sẽ góp phần chấm dứt tình trạng doanh nghiệp sản xuất nông sản mà không có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định, nguyên liệu không có chất lượng và không có thiết bị chế biến hiện đại. Đồng thời, thực hiện liên kết để sản xuất theo chuỗi cũng góp phần tập trung nguồn lực, tài nguyên... vào các mặt hàng mà có lợi thế của vùng.

 

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Nghị quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ đã được thông qua vào đầu năm 2022.

Trong đó, quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại  TP Cần Thơ với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh, Trung tâm liên kết ra đời không chỉ giúp giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, thủy sản của vùng ĐBSCL mà còn thiết lập chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để hàng hóa nông sản được thông suốt trong tất cả các khâu từ thu hoạch - chế biến - bảo quản - vận chuyển - phân phối - xuất khẩu.

Trung tâm này còn tập hợp các đầu mối sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản của các địa phương trong vùng, hình thành kết nối cung - cầu nông sản giữa nơi sản xuất với thị trường tiêu thụ, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản.