Hội thảo nhằm giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ cho các đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và các cơ quan báo chí truyền thông. Dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 20/10/2016.Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, Luật được xây dựng trên tinh thần hướng đến đối tượng chính là cộng đồng DNNVV và xã hội để mọi người hiểu được vai trò quan trọng DNNVV trong nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Trong khi đó, bà Gloria Steele – Phó Tổng Giám đốc phụ trách châu Á (USAID) cũng cho rằng, việc xây dựng Luật là cần thiết giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập toàn cầu. Các ý tưởng vườn ươm, trung tâm hỗ trợ… giúp các DN khởi nghiệp và khi được Quốc hội thông qua, cùng với cơ chế, chính sách sẽ là động lực hỗ trợ với đội ngũ DNNVV.
Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ DNNVV cũng phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo đó, DNNVV được ghi nhận góp phần tích cực cho sự tăng trưởng toàn diện của nền kinh tế.
Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, Luật này cần cụ thể giúp DN nhỏ và siêu nhỏ có khả năng tích lũy vốn ban đầu, đề nghị giảm thuế thu nhập DN, hay cần có cơ chế ưu đãi để tiếp cận nguồn vốn, giảm lãi suất khi vay…Thứ trưởng Đặng Huy Đông vừa giải đáp, vừa tiếp thu các ý kiến và cho biết sau khi các đại biểu Quốc hội cho ý kiến sẽ chỉnh, sửa, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời nhấn mạnh, Luật Hỗ trợ DNNVV được kỳ vọng giúp tạo ra nhiều việc làm hơn nữa từ khu vực tư nhân, nơi thu hút hơn một nửa là lao động nữ, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động vào cuối năm 2020.