Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng từ EVFTA

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được EU thông qua, dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào đầu tháng 6 tới. Dự kiến, hiệp định sẽ có hiệu lực vào nửa cuối năm 2020, mở ra nhiều kỳ vọng với kinh tế Việt Nam.

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng mang lại tác động sâu rộng trong nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Kỳ vọng thu hút đầu tư
EU là khu vực có diện tích tương đối rộng (trên 4.100km2), dân số trên 445 triệu người, có nền kinh tế phát triển, với tổng GDP đạt khoảng 1.500 tỷ USD; GDP bình quân đầu người khá cao 32.877 USD, cao gấp trên 13 lần của Việt Nam. Nhiều nước trong khu vực EU nền kinh tế có trình độ kỹ thuật - công nghệ nguồn.
Số lượt người của các nước thành viên EU đến Việt Nam năm 2019 (chỉ tính được đối với 8 nước theo công bố của Tổng cục Thống kê) đạt 900.000 lượt người, trong đó đông nhất là đến từ Pháp, tiếp đến là Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italia, Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ. Tuy nhiên, số khách từ khu vực EU đến Việt Nam còn ít.
EU là khu vực thị trường có kim ngạch xuất, nhập khẩu rất lớn. Tổng xuất khẩu đạt trên 7.000 tỷ USD, mức xuất khẩu bình quân đầu người ở mức 15.800 USD, cao gấp 6 lần của Việt Nam. Tỷ lệ xuất khẩu/GDP đạt khoảng 48%. Tổng nhập khẩu đạt trên 6.300 tỷ USD, mức nhập khẩu bình quân đầu người đạt khá 14.274 USD. Với quy mô nhập khẩu và nhập khẩu bình quân đầu người lớn, EU được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cho xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, EU là đối tác đầu tư, thương mại, du lịch lớn của Việt Nam. Thống kê cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp mà các nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam (các dự án còn hiệu lực tính đến hết năm 2019) đạt gần 21,7 tỷ USD. Trong đó có 6 thành viên có lượng vốn lớn (trên 1 tỷ USD đăng ký), lớn nhất là Hà Lan, tiếp đến là Pháp, Luxembourg, Bỉ, Đức.
Cùng với lượng vốn là kỹ thuật - công nghệ hiện đại, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, lượng vốn FDI của EU còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng lượng vốn FDI của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới vào Việt Nam (khoảng 4,8%); trong đó còn nhiều nước có lượng vốn nhỏ, thậm chí có nước còn chưa có dự án nào. Khi EVFTA có hiệu lực, đầu tư từ EU vào Việt Nam sẽ được đẩy mạnh, vừa góp phần tăng lượng vốn đầu tư, vừa góp phần đổi mới kỹ thuật, công nghệ...
Cơ hội tái cơ cấu thị trường xuất, nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU (không kể Anh) năm 2019 đạt 35,8 tỷ USD, chiếm khoảng 13,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau Mỹ (chiếm 23,2%). Hàng hóa của Việt Nam có mặt ở tất cả các thị trường trong khu vực EU, trong đó có 9 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, chiếm một phần ba tổng số thị trường trong “câu lạc bộ” các thị trường đạt trên 1 tỷ USD của Việt Nam (Hà Lan, Đức, Áo, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Ba Lan, Thụy Điển). Trong quan hệ buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và EU, Việt Nam ở vị thế xuất siêu lớn (năm 2018 đạt gần 23,5 tỷ USD, năm 2019 đạt 21,7 tỷ USD). Trong 27 thị trường, Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 23 thị trường, trong đó xuất siêu lớn (trên 1 tỷ USD) là Hà Lan, Đức, Bỉ, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Áo). Chỉ có 4 thị trường Việt Nam ở vị thế nhập siêu là Ailen, Bungary, Sip. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm khoảng 0,56% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực này.
Kỳ vọng đầu tư, xuất khẩu và du lịch với EU sẽ đạt kết quả mới, bởi EVFTA là Hiệp định thế hệ mới có độ rộng, độ cao nhất trong các Hiệp định Thương mại tự do từ trước đến nay của Việt Nam. Những ngành, mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh về nhiều mặt đối với EU, trong đó có các mặt hàng về công nghiệp (dệt may, giày dép); một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ (như túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, sản phẩm gốm sứ, sản phẩm mây tre cói thảm...); một số mặt hàng có kỹ thuật, công nghệ cao (như điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...). Chỉ cần nâng tỷ lệ xuất khẩu so với tổng số cao gấp đôi hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã có thể vượt qua mốc 70 tỷ USD. Vấn đề đặt ra là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm an toàn thực phẩm, xuất xứ, tăng tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước. Đồng thời đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu thị trường xuất, nhập khẩu.
Nhập khẩu từ EU có nhiều mặt hàng, trong đó có những mặt hàng có kỹ thuật - công nghệ cao (như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, ô tô...) khi được giảm thiểu thuế suất sẽ có điều kiện tăng nhập khẩu của Việt Nam, giúp đổi mới kỹ thuật, công nghệ.